Hội nghị có sự tham dự của các nhà lãnh đạo cấp cao, bao gồm các đồng chí nguyên lãnh đạo các uỷ ban của Quốc hội; các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện các đơn vị trong Bộ Nông nghiệp và Môi trường; đại diện các Bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố; đại diện các viện nghiên cứu, trường đại học, chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp – môi trường – công nghệ cao – chuyển đổi số.
Đồng chí Đỗ Đức Duy - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường; đồng chí Nguyễn Anh Tuấn – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh; đồng chí Vương Quốc Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh; đồng chí Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường; đồng chí Nguyễn Văn Long - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Môi trường - Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì Hội nghị.
Hội nghị triển khai Nghị quyết 57 đánh dấu điểm khởi đầu của một hành trình đổi mới toàn diện ngành nông nghiệp Việt Nam theo hướng xanh, tuần hoàn và phát thải thấp. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, Nghị quyết 57 có ý nghĩa đặc biệt khi ngành Nông nghiệp và Môi trường đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức lớn như cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước; các mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống vốn dựa vào lao động phổ thông, chi phí đầu vào lớn, giá trị gia tăng thấp đã không còn phù hợp trong khi chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp tuần hoàn đa giá trị đã trở thành xu thế tất yếu. Muốn thay đổi cục diện của ngành thì việc đổi mới tư duy và cách làm, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm nền tảng cho phát triển là yêu cầu bắt buộc. Trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp và Môi trường đã có nhiều nỗ lực trong ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi thông minh, giám sát môi trường tự động, xây dựng số hoá cơ sở dữ liệu đất đai, dữ liệu rừng, dữ liệu khí tượng thủy văn. Tuy nhiên để đáp ứng yêu cầu đột phá phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 57 thì vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm.
    |
 |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu khai mạc hội nghị |
Hội nghị đã nghe các báo cáo về ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp và Môi trường. Các đại biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận, làm rõ những giải pháp ưu tiên đột phá về khoa học công nghệ và chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành trong giai đoạn mới. Đặc biệt, hội nghị cũng “nhận diện những điểm nghẽn” đang kìm hãm quá trình chuyển đổi công nghệ trong ngành nông nghiệp, như: Thiếu cơ chế tài chính khuyến khích đổi mới sáng tạo; Hạn chế trong năng lực chuyển giao công nghệ giữa viện - trường - doanh nghiệp; Thiếu hụt đội ngũ cán bộ kỹ thuật, nhà khoa học chất lượng cao; Rào cản hành lang pháp lý và thủ tục hành chính trong triển khai dự án khoa học...
Nghị quyết 57 được ban hành vào thời điểm đặc biệt, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội, giữ vai trò dẫn dắt xu thế phát triển mới của các quốc gia trên thế giới. Nghị quyết đã xác định rõ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là các yếu tố quyết định sự phát triển của quốc gia, là nhiệm vụ tiên quyết, là thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển nhanh, bền vững và trở thành quốc gia phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thông qua hội nghị, toàn Ngành quán triệt và thống nhất tổ chức triển khai kịp thời có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn đã được xác định tại Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và được cụ thể hóa trong Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Theo đó, 5 nhóm giải pháp đã được hội nghị nhấn mạnh là:
1. Hoàn thiện thể chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính để khơi thông “điểm nghẽn”, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ trong khu vực công mà cả khu vực tư để có thể huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển khoa học công nghệ phục vụ phát triển ngành.
2. Gia tăng giá trị của sản phẩm ngành Nông nghiệp và Môi trường, đặc biệt xác định các lĩnh vực có tiềm năng thế mạnh để triển khai các đề tài, dự án khoa học công nghệ để tạo ra sự phát triển đột phá của ngành như công nghệ sinh học, công nghệ gen…
3. Đổi mới hoạt động của các tổ chức khoa học công nghệ công lập trong ngành bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, thực sự trở thành các trung tâm đổi mới sáng tạo có khả năng cạnh tranh; Đổi mới hoàn toàn cách thức giao nhiệm vụ khoa học công nghệ hàng năm theo cơ chế đấu thầu, đặt hàng, trong đó hoạt động khoa học công nghệ phải xuất phát từ thực tiễn, phục vụ thực tiễn... và có khả năng thương mại hóa.
4. Phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học với sản xuất kinh doanh trong đó cần đề xuất cơ chế chính sách để thu hút chuyên gia nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước... cùng chung sức đồng lòng cùng ngành triển khai thắng lợi các nhiệm vụ theo các Nghị quyết, kế hoạch đã ban hành.
5. Các giải pháp chuyển đổi số toàn diện là sơ sở để đổi mới quản lý toàn diện, hoạch định chính sách, chỉ đạo điều hành hoạt động tổ chức sản xuất kinh doanh kết nối xuất khẩu để tài nguyên số, công nghệ số, kinh tế số thực sự trở thành một lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn phát triển mới của ngành.
Để nhanh chóng tháo gỡ các “nút thắt”, “điểm nghẽn”, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch hành động chi tiết nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 57 theo lộ trình ngắn – trung – dài hạn với các giải pháp hành động như: Thành lập Ban chỉ đạo liên ngành; Tổ chức hội thảo, diễn đàn chuyên đề; Phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia; Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực; Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức.
Cũng tại Hội nghị, nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác khoa học công nghệ giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường với các đối tác trong và ngoài nước đã được ký kết, tạo nền tảng thực tiễn vững chắc để thúc đẩy các mô hình sản xuất xanh, công nghệ cao.
    |
 |
Nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác khoa học công nghệ giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường với các đối tác trong và ngoài nước đã được ký kết tại hội nghị |
Nghị quyết 57 không chỉ đặt ra mục tiêu phát triển mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược dài hạn cho ngành nông nghiệp Việt Nam đến năm 2050, đó là trở thành một nền nông nghiệp tiên tiến, phát thải thấp, có sức cạnh tranh toàn cầu và đóng góp tích cực vào mục tiêu phát thải ròng bằng “0” mà Việt Nam đã cam kết tại COP26. Đây là thời điểm “vàng” để ngành nông nghiệp tận dụng cơ hội phục hồi xanh hậu COVID-19, bắt nhịp cùng xu thế phát triển của thế giới, đồng thời khẳng định vai trò trụ đỡ trong nền kinh tế quốc dân.
Với tinh thần quyết liệt, hội nghị triển khai Nghị quyết 57 không chỉ thể hiện sự chỉ đạo đồng bộ từ Trung ương mà còn tạo xung lực lan tỏa mạnh mẽ đến từng địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.
Nguyễn Sâm
Trung tâm Khuyến nông quốc gia