Xã Bình An, huyện Lâm Bình là xã đầu tiên được chọn để thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi dê sinh sản tại Tuyên Quang” giai đoạn 2022-2024 do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang thực hiện. Để thực hiện tốt mục tiêu của Dự án, Trung tâm Khuyến nông, UBND xã Bình An đã tổ chức lựa chọn được 5 hộ có chuồng trại, diện tích trồng cỏ, diện tích bãi chăn thả, nhân công lao động, vốn đối ứng... cũng như kinh nghiệm trong chăn nuôi dê và cam kết thực hiện theo đúng kỹ thuật để tham gia.
Các hộ tham gia dự án được hỗ trợ vật tư thức ăn và 50 con dê giống lai Boer, trong đó có 5 con dê đực và 45 con cái, tổng trị giá hơn 330 triệu đồng (mỗi hộ được hỗ trợ 9 con dê cái, 1 con dê đực). Trước khi nhận con giống, các hộ được tập huấn những kiến thức cơ bản trong nuôi dưỡng, phòng trừ dịch bệnh. Do vậy, các hộ nắm được kỹ thuật chăm sóc, đàn dê khỏe mạnh, không xảy ra dịch bệnh. Cùng với đó, được sự hướng dẫn thường xuyên của cán bộ chỉ đạo trong quá trình theo dõi, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh, đàn dê sinh trưởng, phát triển tốt.
Kết quả, sau 9 tháng thực hiện mô hình, dê sinh sản đạt trên 1,6 lứa/năm, trọng lượng dê con mới sinh đạt 2,3kg, hiệu quả kinh tế tăng hơn 15% so với trước đây. Mô hình đã giúp tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Bình An; nâng cao kiến thức cho người chăn nuôi dê sinh sản theo hướng an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững. Đào tạo được đội ngũ cán bộ cơ sở và người chăn nuôi, đặc biệt là nâng cao trình độ, nhận thức trong chăn nuôi.
Ông Quang Minh Toàn, thôn Chấu Quân, xã Bình An đã tham gia mô hình chăn nuôi dê sinh sản được gần 3 năm. Hiện tại gia đình ông nuôi trên 20 con dê các loại, dê tăng trưởng khoẻ mạnh. Do kết hợp chăn nuôi tự nhiên và nuôi nhốt tập trung đã giúp kiểm soát sự sinh trưởng được đàn dê, con nào có biểu hiện ốm bệnh thì kịp thời được tiêm thuốc, con nào tăng trưởng chậm được tách đàn để chăm sóc riêng... Nuôi dê không vất vả mà lại cho hiệu quả kinh tế cao, hiện giá thịt dê dao động khoảng 150.000 đồng/kg cho gia đình ông Toàn thu nhập khoảng 100 triệu/năm.
Trong 03 năm (từ năm 2022-2024), Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang, triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi dê sinh sản tại Tuyên Quang” tại 03 xã Bình An, Phúc Sơn, Hồng Quang, huyện Lâm Bình. Qua đó, đã hỗ trợ 150 con dê giống lai Boer, trong đó có 15 con dê đực và 135 con cái cho 15 hộ tham gia (mỗi hộ được hỗ trợ 9 con dê cái, 1 con dê đực). Tổ chức 09 lớp tập huấn kỹ thuật, 06 hội nghị tham quan, tổng kết tuyên truyền nhân rộng mô hình cho gần 500 lượt hộ chăn nuôi dê.
    |
 |
Lãnh đạo TTKN kiểm tra đàn dê của mô hình |
Theo anh Đặng Phúc Phú, trưởng thôn Khum Xúm, xã Phúc Sơn (người tham gia mô hình nuôi dê sinh sản) cho biết, đây là lần đầu tiên gia đình anh nuôi dê lai. Ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật nuôi và cách phòng, trị bệnh cho dê nhưng được sự quan tâm, hướng dẫn sát sao của cán bộ kỹ thuật nên đàn dê của anh đã sinh trưởng, phát triển tốt. Sau thời gian 7 tháng chăm sóc nuôi dưỡng, đàn dê đã bước vào lứa sinh sản đầu tiên đẻ được 5 dê con và 4 con dê mẹ đang mang thai; từ đàn dê 10 con giống ban đầu, đến nay đàn dê đã phát triển lên 20 con, trong quá trình chăn nuôi giống dê lai anh nhận thấy rất phù hợp với khí hậu và điều kiện kinh tế gia đình.
Với gia đình ông Ma Văn Nơi, thôn Nà Chúc, xã Hồng Quang, cơ hội phát triển kinh tế của gia đình chỉ được mở ra vào đầu năm 2024, khi gia đình được nhận hỗ trợ 10 con dê sinh sản từ việc tham gia dự án. Sau khi được nhận hỗ trợ dê sinh sản, ông Nơi đã tập trung chăm sóc và thực hiện nhân giống để tăng đàn. Nhờ đó, từ 10 con dê sinh sản ban đầu, đến nay ông Nơi đã phát triển đàn dê được 19 con.
Thực tế cho thấy, mô hình nuôi dê lai có vốn đầu tư thấp, có thể tận dụng những lao động phụ trong gia đình và nguồn thức ăn có sẵn có tại địa phương như: cỏ voi, cây ngô tươi, lá cây rừng và phụ phẩm nông nghiệp khác… Mỗi con dê cái trưởng thành có thể sinh sản trung bình 1,6 lứa/năm, mỗi lần sinh từ 1-2 con và nuôi trong thời gian từ 8 tháng tuổi trở lên sẽ cho xuất chuồng. Theo tính toán khảo sát sơ bộ, giá bán dê thương phẩm là 120.000 đồng/kg, đối với những con dê cái đang mang thai (dê giống) có giá bán 200 nghìn đồng/kg và sau khi trừ phần chi phí, tính sơ bộ mỗi một cặp dê mẹ dê con, người chăn nuôi thu lãi trên 1,3 triệu đồng sau 08 tháng nuôi.
Ông Ma Đình Hoàn – Phó chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết: Từ nguồn ngân sách trung ương và sự đầu tư có trọng điểm của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, kết hợp lồng ghép nhiều chương trình mục tiêu quốc gia,... góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn xã năm sau luôn cao hơn năm trước và vượt kế hoạch đề ra; chính quyền địa phương đánh giá cao hiệu quả của các mô hình khuyến nông đã được triển khai trên địa bàn xã. Hiện nay, từ mô hình chăn nuôi dê lai sinh sản xã đang tiếp tục triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng nuôi dê sinh sản cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã để góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.
Vũ Ngọc Tuyên
Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang