Từ năm 2022 đến 2024, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Organic Quế Lâm đã triển khai thành công dự án: “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ” tại hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Đồng Nai.
Mô hình không chỉ giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến môi trường mà còn tạo ra những sản phẩm thịt an toàn, chất lượng cao, mở ra một bước tiến đáng kể trong việc thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững và hiện đại.
Từ dự án đến thực tiễn
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm. Những lo ngại về tồn dư kháng sinh, chất tăng trọng, chất tạo nạc trong thịt lợn đã khiến không ít người e ngại với các sản phẩm chăn nuôi thông thường. Đồng thời, những đợt dịch bệnh kéo dài trong chăn nuôi đã gây thiệt hại lớn, làm nhiều hộ nông dân lao đao.
Thực tế đó đặt ra yêu cầu cấp thiết cho ngành nông nghiệp Việt Nam: vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa phải đảm bảo an toàn, thân thiện với môi trường. Dự án chăn nuôi hữu cơ được triển khai như một bước đi tiên phong, góp phần định hướng lại tư duy sản xuất của người nông dân và xây dựng niềm tin nơi người tiêu dùng.
Theo đại diện Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Organic Quế Lâm - đơn vị đồng hành cùng Trung tâm Khuyến nông quốc gia trong dự án, mô hình được triển khai trên quy mô 1.000 con lợn, tại 6 điểm trình diễn, với sự tham gia trực tiếp của 10 hộ dân tại Thừa Thiên - Huế và Đồng Nai. Các hộ dân tham gia mô hình được lựa chọn dựa trên những tiêu chí như: có cơ sở vật chất tối thiểu phục vụ chăn nuôi, có kinh nghiệm trong nghề, có cam kết thực hiện đầy đủ quy trình hữu cơ.
Trước khi bắt tay vào chăn nuôi, các hộ dân được tập huấn kỹ lưỡng về kỹ thuật, quy trình chăm sóc lợn hữu cơ theo chuỗi Quế Lâm. Điểm khác biệt là việc xây dựng chuồng trại có đệm lót sinh học, dùng men vi sinh để xử lý chất thải gây ô nhiễm; sử dụng dinh dưỡng hữu cơ do Tập đoàn Quế Lâm sản xuất làm thức ăn cho vật nuôi; dùng thảo dược để hun xông chuồng trại, khử khuẩn, cho lợn ăn để phòng trừ dịch bệnh, tuyệt đối không sử dụng kháng sinh, hóa chất tăng trọng, chất tạo nạc trong suốt quá trình chăn nuôi. Tất cả các quy trình đều tuân thủ hướng dẫn kỹ thuật đã được Cục Chăn nuôi công nhận.
Dự án cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, nâng cao nhận thức, trang bị các kỹ năng làm nông nghiệp hữu cơ – nông nghiệp tuần hoàn cho các hộ nông dân, tổ chức hội thảo, tham quan thực tế và đẩy mạnh truyền thông nhằm lan tỏa mô hình đến cộng đồng.
Kết quả khả quan, động lực cho phát triển bền vững
Sau 3 năm triển khai, mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ đã ghi nhận những kết quả tích cực: Tỷ lệ sống đạt 100% - một con số đáng mơ ước ngay cả trong chăn nuôi công nghiệp. Trọng lượng trung bình khi xuất chuồng đạt trên 104 kg/con; tăng trọng bình quân 710g/con/ngày - vượt so với nhiều hình thức chăn nuôi khác. Hiệu suất sử dụng thức ăn cũng được tối ưu với tỷ lệ tiêu tốn chỉ 2,48 kg thức ăn/kg tăng khối lượng.
Về mặt kinh tế, mô hình cho thấy lợi nhuận của các hộ dân tham gia tăng từ 15% trở lên so với chăn nuôi đại trà. Đây là minh chứng rõ nét cho thấy chăn nuôi hữu cơ không chỉ là lựa chọn an toàn mà còn là hướng đi khả thi về mặt thu nhập, giúp người nông dân yên tâm sản xuất.
Không chỉ dừng lại ở con số, mô hình đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Qua 10 lớp tập huấn, 250 lượt nông dân được đào tạo, trong đó hơn 80% học viên đạt loại khá giỏi. Ngoài ra, 19.000 tờ gấp kỹ thuật đã được phát hành, hàng trăm lượt người tham gia các cuộc tham quan mô hình thực tế. Đã có 2 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm được hình thành tại TP. Huế và một số địa phương khác, tạo đầu ra ổn định và bền vững.
Những bài học kinh nghiệm từ triển khai mô hình
Tuy đạt được nhiều kết quả khả quan, dự án cũng ghi nhận một số khó khăn trong quá trình triển khai. Nhiều hộ dân ban đầu còn lúng túng với quy trình ghi chép nhật ký chăn nuôi - một phần bắt buộc trong sản xuất hữu cơ. Cơ sở vật chất ban đầu của các hộ cũng chưa đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu về chuồng trại sinh học. Một số hộ vẫn mang tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động đầu tư và tiếp cận công nghệ mới.
Từ những trở ngại đó, ban điều hành dự án đã rút ra những bài học kinh nghiệm: Cần lựa chọn đúng đối tượng tham gia, ưu tiên những hộ có ý chí vươn lên và tinh thần học hỏi cao; tăng cường hình thức tập huấn “cầm tay chỉ việc” để người dân dễ tiếp thu; đẩy mạnh liên kết giữa các hộ dân, chính quyền địa phương và doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ, giúp bà con yên tâm sản xuất lâu dài.
Lan tỏa giá trị nhân văn từ chăn nuôi hữu cơ
Dựa trên thành công bước đầu, các chuyên gia khẳng định mô hình chăn nuôi hữu cơ hoàn toàn khả thi để nhân rộng. Tuy nhiên, để mô hình thực sự đi vào cuộc sống, rất cần sự hỗ trợ đồng bộ từ các cấp, ngành và chính quyền địa phương.
Theo đại diện Công ty Organic Quế Lâm, cần có thêm chính sách tín dụng ưu đãi để giúp nông dân đầu tư chuồng trại, máy móc, giống và thức ăn hữu cơ. Đồng thời, cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về lợi ích lâu dài của thực phẩm hữu cơ, góp phần thúc đẩy tiêu thụ, ổn định thị trường.
Chăn nuôi hữu cơ không chỉ là xu hướng mà còn là giải pháp cho một nền nông nghiệp an toàn, bền vững và nhân văn. Những kết quả khả quan từ dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ” minh chứng, có sự đồng lòng giữa các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân, thì một nền nông nghiệp sạch, hiện đại và hiệu quả là điều hoàn toàn có thể đạt được.
Việc nhân rộng các mô hình chăn nuôi hữu cơ sẽ tạo nên mạng lưới sản xuất và tiêu thụ thực phẩm an toàn rộng khắp, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, cải thiện sinh kế cho nông dân, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường, phù hợp với định hướng, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về xây dựng và phát triển nền nông nghiệp xanh và bền vững