Đưa chúng tôi đi thăm khu vườn hơn 8000m2 sầu riêng Ri6 đã bước qua năm thứ 8 bắt đầu vào mùa thu hoạch, anh Phạm Văn Trọng ở xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk - chủ nhân vườn sầu riêng luôn tươi cười phấn khởi vì vụ sầu riêng năm nay được mùa lại được giá.

Từ xa đã nghe tiếng gõ “lộp bộp” vang lên từ cán chui nhựa màu vàng của chiếc dao nhỏ Thái Lan va vào thân quả sầu riêng để kiểm tra độ chín. Đó là âm thanh ghi nhận thêm một “tỷ phú sầu riêng” vào danh sách “tự phong” tại thành phố Buôn Ma Thuột. Bởi lẽ năm nay vườn sầu riêng của anh Trọng ít rụng, ít sâu bệnh, năng suất tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm trước. Quả tươi đẹp, đáp ứng mẫu mã của người tiêu dùng nên tiểu thương đã vào tận vườn đặt hàng chốt giá rất sớm với doanh thu ước tính cả tỷ đồng.

Trao đổi với một tiểu thương đang chuẩn bị cắt quả tại vườn cho biết, vườn sầu riêng của anh Trọng vụ này có thể sản lượng hơn 20 tấn sản phẩm quả tươi. Ước tính này có cơ sở vì chỉ một phép tính nhẩm thì đã thấy sản lượng vườn sầu riêng có thể vượt qua con số nêu trên (220 cây/vườn (mật độ 6m x 6m) * 35quả/cây * 3,0 kg/quả), chưa kể cục bộ có cây cho thu hoạch lên đến 70 quả, quả to nhất lên đến 5kg.

leftcenterrightdel
Anh Trọng chia sẻ kinh nghiệm trồng sầu riêng đạt chất lượng, năng suất cao

Anh Trọng cho biết thêm, để đạt được năng suất và chất lượng vườn sầu riêng năm nay, anh đã rút kinh nghiệm từ vụ mất mùa sầu riêng năm trước. Anh cải tiến nhiều biện pháp tác động từ quá trình tưới tiêu, phân bón, tạo hình, quản lý sâu bệnh hại…. Quá trình hình thành quả sầu riêng rơi vào mùa khô Tây Nguyên, đặc biệt là sự biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt hơn, nắng nóng kéo dài nên anh đã điều chỉnh cây sầu riêng phát triển thích ứng với điều kiện thời tiết khí hậu nơi đây. Về tưới tiêu, vào mùa khô, mỗi ngày anh tưới đều đặn một lần từ sáng sớm (từ 4 giờ sáng) hoặc chiều tối (từ 5-6 giờ chiều) với lượng nước tưới vừa đủ ẩm, thay vì trước kia vài ba ngày anh tưới một lần với lượng nước tưới rất đẫm (tưới nhiều nước), quan tâm nhất là thời kỳ làm bông, xổ nhị phải thường xuyên cung cấp đủ ẩm cho cây. Chính vì tưới đều đặn như vậy, đủ nước bộ rễ cây hoạt động ổn định trong việc hút dinh dưỡng nuôi cây trái. Việc duy trì độ ẩm của đất, còn tạo điều kiện cho vi sinh vật trong đất hoạt động tốt, cùng với phân hữu cơ làm đất tơi xốp, giúp đất thoát nước và giữ nước tốt. Đặc biệt là hạn chế tối đa vấn đề cây sầu riêng bị sốc nhiệt làm rụng hoa quả, nếu bất chợt có trận mưa lớn xảy ra trong những ngày nắng nóng. Đây là nguyên nhân làm mất năng suất và hiệu quả kinh tế đối với người sản xuất sầu riêng tại Đăk Lăk nói riêng và Tây nguyên nói chung. Ngoài hệ thống tưới tiết kiệm lắp đặt ở từng gốc sầu riêng, anh Trọng còn mắc thêm các béc tưới trên cao để thỉnh thoảng phun nước khi thời tiết nắng nóng kéo dài, tạo vùng tiểu khí hậu không thích nghi cho các đối tượng sâu hại phát sinh và lây lan như rầy, rệp sáp, nhện đỏ… gây hại trên lá, thân.

Về việc cung cấp dinh dưỡng cho sầu riêng, thay vì trước kia mỗi lần bón phân rất nhiều, nhưng lại ít lần bón, vụ này anh bón ít phân lại nhưng tăng thêm số lần bón để cây hấp thu dinh dưỡng đều đặn, không bị ngắt đoạn do thiếu dinh dưỡng, góp phần hạn chế rụng quả non. Đặc biệt tăng lượng phân hữu cơ, hạn chế tối đa phân hóa học, làm cho vi sinh vật trong đất hoạt động mạnh, bộ rễ hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, nuôi cây khỏe hơn, hạn chế sự rửa trôi xói mòn mất dinh dưỡng của đất. Khi cây sầu riêng khỏe, sâu bệnh hại giảm tối đa, kéo theo việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm đáng kể, đặc biệt là giảm thuốc hóa học, bảo vệ chất lượng sản phẩm sầu riêng. Song song các biện pháp nêu trên còn phải quan tâm đến việc tạo tán, làm cành, tỉa hoa, quả non…một cách hợp lý nhất, để cây đủ sức nuôi quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất và duy trì sự phát triển bền vững cho những vụ tiếp theo. Được biết đây là một trong những diện tích sầu riêng đã được Thành phố Buôn Ma Thuột hỗ trợ cấp chứng nhận VietGAP./.

Cẩm Lai

Trạm Khuyến nông TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk