Hội nghị Trung ương 11 (khóa XIII) họp từ ngày 10/4 - 12/4/2025 tại Thủ đô Hà Nội. Trung ương đánh giá, đây là hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử trong giai đoạn cách mạng mới của Việt Nam.

 

Hội nghị tổ chức bằng hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến đến các điểm cầu tại các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các ban, bộ, ngành, đơn vị sự nghiệp Trung ương và điểm cầu cấp huyện, cấp xã. Theo thông báo của Ban tổ chức, Hội nghị đã có trên 21.000 điểm cầu với trên 1,5 triệu đại biểu tham dự. Ngoài ra, hội nghị còn được truyền hình trực tiếp trên chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Tiếp nối điểm cầu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, điểm cầu của Trung tâm Khuyến nông quốc gia có sự tham dự của ông Lê Quốc Thanh - Bí Thư Đảng ủy Giám đốc Trung tâm, ông Hoàng Văn Hồng – Phó Bí thư Đảng ủy – Phó Giám đốc, ông Lê Minh Lịnh- Phó Giám đốc Trung tâm – Chủ tịch công đoàn cùng toàn thể cán bộ, đảng viên, viên chức trong Trung tâm.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh điểm cầu tại Trung tâm Khuyến nông quốc gia 

 

Hội nghị lần này quán triệt các nội dung cốt lõi, điểm mới, trọng tâm của văn kiện Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (khóa XIII). Trên cơ sở đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, các ban, bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện nội dung văn kiện Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (khóa XIII) ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

 

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã truyền đạt chuyên đề 1 về "Các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng: Những điểm mới trong Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị; Những điểm mới trong dự thảo báo cáo 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2026 - 2030”.

 

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề 2 về “Sửa đổi hiến pháp và pháp luật; Phương hướng bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031”.

 

Tiếp đó, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng trình bày chuyên đề 3 “Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; sửa đổi bổ sung các quy định thi hành Điều lệ Đảng; Chỉ thị sửa đổi Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 và Kết luận số 118-KL/TW, ngày 18/01/2025 của Bộ Chính trị khóa XIII về đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030”. Kế hoạch triển khai thực hiện.

 

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, tại Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã làm việc với tinh thần rất khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, thảo luận hết sức dân chủ, lắng nghe, trao đổi thẳng thắn nhiều vấn đề mới, hệ trọng và thống nhất rất cao với những nội dung lớn, cốt lõi. Có thể nói, đây là hội nghị mang tính lịch sử, quyết sách những vấn đề rất quan trọng, đột phá cho giai đoạn cách mạng mới, tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho sự nghiệp đổi mới toàn diện đưa đất nước vào bước vào kỷ nguyên phát triển mới.

 

Nhấn mạnh đến thời điểm này, về cơ bản, các chủ trương, phương án, kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ quan trọng đã đầy đủ, bảo đảm theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành, Tổng Bí thư chỉ đạo các cấp, ngành từ Trung ương xuống cơ sở phải bắt tay vào triển khai thực hiện ngay; từng cơ quan, đơn vị, địa phương xác định được những công việc cần phải làm trong thời gian tới; từng cán bộ, đảng viên cũng cần hình dung ra những trách nhiệm cá nhân trong cuộc cách mạng chung của đất nước. Sau hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức Đảng có trách nhiệm tiếp tục nghiên cứu quán triệt đầy đủ các nội dung, đồng thời, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện.

 

Trước yêu cầu cùng lúc phải triển khai khối lượng công việc rất lớn, phạm vi rộng, thời gian ngắn, chất lượng cao, nhiều việc chưa có tiền lệ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, 3 yêu cầu chung và 4 lưu ý để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Trong đó, Tổng Bí thư yêu cầu phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11; xác định đây là một cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính và cải cách đổi mới để phát triển đất nước. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu các cấp phải sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt của chủ trương này, tạo được sự thống nhất nhận thức tư tưởng trong toàn Đảng, lan tỏa ra toàn xã hội; quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, định hướng mà Trung ương đã đề ra; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan triển khai quyết liệt các công việc trên tinh thần “đúng vai, thuộc bài” và phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương và giữa các địa phương với nhau; không được có tư tưởng quyền anh, quyền tôi, địa phương này, địa phương kia; tất cả vì lợi ích chung của đất nước, vì nhân dân.

Đồng thời, triển khai các công việc trên tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, nhưng phải thận trọng, chắc chắn, không nóng vội, chủ quan, có thứ tự ưu tiên, làm việc nào trước việc đó, làm việc này tính đến việc khác liên quan và phải thực hiện đúng các quy trình, quy định, không làm tắt, không qua loa, đại khái. Bất cứ công việc nào đều phải bám sát các mốc thời gian trong kế hoạch cụ thể, đảm bảo các công việc thực hiện đúng tiến độ trong thời gian quy định, nhất là các mốc thời gian quan trọng, như là trước ngày 30/6/2025, hoàn thành việc sửa đổi Hiến pháp và pháp luật có liên quan; bắt đầu kết thúc hoạt động của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025 theo lộ trình chuyển tiếp và hoàn thành toàn bộ trước ngày 15/8/2025; hoàn thành sáp nhập các tỉnh trước ngày 1/9/2025 và hoàn thành Đại hội Đảng tại cấp xã trước ngày 31/8/2025; hoàn thành cấp tỉnh trước ngày 31/10/2025; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng sẽ bắt đầu quý I/2026; bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp vào tháng 3/2026.

Tổng Bí thư yêu cầu, căn cứ vào lộ trình, khuyến khích các địa phương, cơ quan, đơn vị hoàn thành sớm các công việc trước mốc thời gian quy định trên tinh thần là ổn định sớm để phát triển. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân, tôn trọng lắng nghe ý kiến của Nhân dân. “Các quy trình, thủ tục lấy ý kiến nhân dân phải được thực hiện đúng quy định, nhất là những nội dung liên quan đến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, sáp nhập các tỉnh, sáp nhập các xã”- Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trân trọng cảm ơn Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu sâu sắc và tâm huyết; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có những bài truyền đạt nhằm giúp các đại biểu và các tầng lớp nhân dân nắm bắt một cách hệ thống toàn diện các nội dung của hội nghị, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược đã đề ra.