Tham dự hội nghị có đại diện Trung tâm KN, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện, một số doanh nghiệp, lãnh đạo thị trấn kép, cán bộ khuyến nông cơ sở một số xã và 90 nông dân tại thị trấn Kép, xã Mỹ An, An Hà, Quang Thịnh, Đào Mỹ và Hương Lạc. Ông Lê Hồng Giang - Phó Giám đốc Trung tâm KN chủ trì hội nghị.

Vụ mùa 2022, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Lạng Giang triển khai mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ có tổng diện tích 39 ha với 319 hộ tham gia, thực hiện tại xã Mỹ Thái 21 ha và thị trấn Kép 18 ha. Giống lúa thuần J02 nguyên chủng được đưa vào sản xuất trong mô hình. Đây là giống lúa thuần dòng JAPONICA chất lượng có nguồn gốc từ Nhật Bản được Viện di truyền nông nghiệp nhập nội và tuyển chọn, Công ty CP vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam độc quyền sản xuất và phân phối.

Hộ dân tham gia mô hình được Nhà nước hỗ trợ 70% giá giống, 50% vật tư gồm phân hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật. Các hộ được hướng dẫn các nguyên tắc hữu cơ, quy trình kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng hữu cơ từ khâu chọn vùng sản xuất tạo vùng đệm, xử lý đất, gieo cấy, thực hiện quy trình bón phân, chăm sóc, quản lý dịch hại theo đúng từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, ghi chép nhật ký, sổ sách trong quá trình thực hiện.

Sau khi đi thăm đồng thực tế và nghe báo cáo kết quả mô hình, các đại biểu đều nhất trí với đánh giá của Trung tâm Khuyến nông, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ giúp cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế được sâu bệnh hại, giảm số lần phun thuốc từ 1-2 lần. Đồng thời góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giữ cân bằng hệ sinh thái, tạo sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

leftcenterrightdel
Các đại biẻu tham quan mô hình 

Thực tế sản xuất cho thấy giống lúa J02 nguyên chủng trong mô hình có thời gian sinh trưởng vụ mùa từ 110-112 ngày, đẻ nhánh khỏe, số dảnh hữu hiệu cao, số hạt chắc/bông cao đạt 169 hạt chắc/bông. Năng suất thực thu ước đạt 67,2 tạ/ha, cao hơn giống J02 đối chứng 1,7 tạ/ha và KD18 cấy đại trà tại địa phương là 3,2 tạ/ha. Đánh giá về hiệu quả kinh tế, giống lúa J02 trong mô hình cho lãi cao hơn giống J02 đối chứng 825.950 đồng/sào, tương đương 18,37 triệu đồng/ha.

Để bảo đảm liên kết giữa sản xuất và tiêu tiêu thụ sản phẩm, Trung tâm KN phối hợp với Công ty CP Giống- Vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam cung ứng giống lúa J02, tập huấn, tư vấn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho hộ dân tham gia mô hình.

Trong khuôn khổ của hội nghị, phần tọa đàm các đại biểu đưa ra các câu hỏi và được các chuyên gia đến từ Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện, Công ty CP giống- vật tư nông nhiệp công nghệ cao Việt Nam, Công ty cổ phần vật tư nông nghiệp Bắc Giang giải đáp trực tiếp các vấn đề về ngộ độc hữu cơ trong sản xuất lúa và biện pháp khắc phục; quy trình, tiêu chuẩn thu mua và bao tiêu sản phẩm đối với giống lúa J02; việc ứng dụng thiết bị bay không người lái trong sản xuất lúa và cây rau màu…

Trên cơ sở kết quả của mô hình, hội nghị thống nhất mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ thành công, giống lúa J02 phù hợp với điều kiện, tập quán canh tác của người dân tại huyện Lạng Giang. Thông qua mô hình góp phần nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, đảm bảo sản phẩm sản xuất ra đạt tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường… Hội nghị cũng thống nhất phương thức, tiêu chuẩn thu mua sản phẩm thóc tươi giống lúa J02 giữa doanh nghiệp với các hộ tham gia mô hình.

Qua mô hình cho thấy, việc phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ phù hợp với định hướng chung của ngành, của tỉnh và xu hướng phát triển nông nghiệp thế giới. Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình liên kết giữa các nhà: Nhà nước- Doanh nghiệp- Nhà nông- Nhà khoa học là rất cần thiết và cần được phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Kim Lan

Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang