Để triển khai thành công mô hình, đầu tháng 5/2024, Trung tâm Khuyến nông Bình Định tổ chức tập huấn đầu vụ nhằm hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất cho các hộ dân trong và ngoài mô hình. Mô hình sạ lúa theo cụm, đây là mô hình có kết quả năng suất và hiệu quả kinh tế vượt trội so với các mô hình khác như sạ hàng, sạ lan... Mô hình triển khai áp dụng thiết bị sạ cụm 10 hàng với mật độ gieo sạ 4 kg/sào (80 kg/ha), các hàng cách nhau 25 cm, mỗi cụm được sạ có từ 8 – 12 hạt/cụm, các cụm trên cùng một hàng cách nhau 14 cm, thời gian gieo sạ là 3 giờ/ha (tính từ khâu làm phẳng, lên rò, tạo rãnh thoát nước, gieo sạ).

leftcenterrightdel
Lúa mô hình sạ cụm sau sạ 20 ngày 

Chị Trần Thị Ngọc Nữ - nông dân tham gia mô hình cho biết: “Gia đình tôi có 4 sào lúa trong mô hình, từ khi được HTX vận động tham gia mô hình tôi rất lo lắng. Hồi giờ tôi sạ lan với mật độ 6 kg/sào, nay tôi được tham gia mô hình sạ cụm gieo sạ với mật độ 04 kg/sào. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến thiết bị gieo sạ xong tôi hoàn toàn ngạc nhiên và bị thuyết phục bởi mức độ hoàn hảo của ruộng lúa sạ theo cụm về cự li phân bổ hạt giống khi gieo sạ, về kỹ thuật san phẳng mặt ruộng, kỹ thuật đánh đường thoát nước của thiết bị sạ cụm”.

Sau hơn 3 tháng triển khai, giống lúa ĐV108 được áp dụng trong mô hình sinh trưởng và phát triển tốt, tỉ lệ mọc cao đạt 90%, lúa cứng cây, không đỗ ngã; sâu bệnh hại trên cây lúa giảm đáng kể so với đối chứng như bệnh khô vằn giảm 5%, bệnh đốm sọc vi khuẩn giảm 3%. Năng suất thực thu đạt 70,5 tạ/ha, cao hơn đối chứng 5,2 tạ/ha, lợi nhuận đạt 26.530.000 đồng/ha, cao hơn đối chứng 5.817.000 đồng/ha.

leftcenterrightdel
Lúa mô hình sạ cụm giai đoạn đòng trỗ 

Ông Phan Hòa Thuận, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nhơn Tân, cho biết: “Áp dụng máy sạ lúa theo cụm phù hợp với điều kiện canh tác tại địa phương. Theo đó, thời gian gieo sạ giảm đáng kể chỉ mất 03 giờ/ha, trong khi đó canh tác sạ lúa theo phương thức truyền thống (sạ lan) với mật độ từ 5 – 6 kg/sào phải mất đến 140 giờ/ha (tương ứng với 17,5 công lao động) nên năng suất lao động và hiệu quả sản xuất không cao. Ngoài ra, giảm được chi phí giống 720.000 đồng/ha, công gieo sạ giảm 625.000 đồng/ha, nhờ vậy năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với trước đây. Các vụ lúa tiếp theo HTX có kế hoạch để nhân rộng mô hình này ra các thôn khác trên địa bàn xã”.

Có thể khẳng định rằng giảm giống gieo sạ là vấn đề đầu tiên trong tiến trình giảm chi phí đầu vào sản xuất lúa. Kết quả mô hình cho thấy năng suất lúa tăng gần 8% và hiệu quả kinh tế tăng 28% so với ruộng lúa đối chứng gieo sạ theo kiểu truyền thống trong cùng mùa vụ. Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Bình Định sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình này ở các HTX liên kết sản xuất lúa giống, sản xuất lúa hữu cơ và những vùng sản xuất lúa tập trung với diện tích lớn trên địa bàn tỉnh để góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất lúa, giảm tối đa lượng giống và công lao động, từ đó giảm được chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng lúa và hiệu quả kinh tế./.

Nguyễn Cường

Trung tâm Khuyến nông Bình Định