leftcenterrightdel
Đại biểu và hộ dân tham quan thực tế mô hình triển khai tại thôn Đại Khoan, xã Cát Lâm 

Tham gia mô hình, 14 hộ dân được hỗ trợ 50% kinh phí về giống và các vật tư thiết yếu để triển khai. Đồng thời, các hộ dân được hướng dẫn áp dụng đồng bộ kỹ thuật trồng lạc thâm canh và kỹ thuật tưới tiết kiệm nước, hỗ trợ ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với đơn vị thu mua theo giá cả hợp lý, đảm bảo quyền lợi cho người nông dân.

 

Ông Nguyễn Văn Minh, 1 trong 14 hộ tham gia mô hình, chia sẻ: Với hệ thống tưới tiết kiệm theo phương pháp tưới phun mưa, có thể điều chỉnh lịch trình tưới nước chuẩn xác và tiết kiệm được lượng nước đáng kể, lượng nước được phun đều khắp ruộng, cung cấp nước đủ và kịp thời, cây lạc không bị ngập úng, không đọng nước trên ruộng, giúp chúng tôi tiết kiệm được chi phí, thời gian, công sức hơn so với trước đây. Cây lạc nhờ vậy cũng sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh hại, cho trái đồng đều và to, năng suất mang lại cao hơn so với các năm trước. Lạc tươi được công ty thu mua với giá 14.000 đồng/kg nên lợi nhuận thu lại cao hơn so với các ruộng trồng lạc và sắn ngoài mô hình.

Thật vậy, nhờ người dân tuân thủ theo đúng kỹ thuật đã được hướng dẫn như bón vôi, cày bừa đất kỹ, chú trọng bón lót, phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm Trichoderma,... nên cây lạc cây sinh trưởng phát triển tôt, nhất là giai đoạn cây con, cây đẻ nhánh khoẻ, ra hoa tập trung. Sau 95 ngày, giống lạc L14 cao 45 cm, trung bình có 15 quả chắc/cây, năng suất lạc tươi đạt 75,6 tạ/ha, lợi nhuận đạt 55,14 triệu đồng/ha cao hơn so với ruộng sắn ngoài mô hình 32,27 triệu đồng/ha.

 

Thạc sỹ Nguyễn Thị Hoàng Vi, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông chia sẻ: Khi triển khai mô hình trong vụ Thu Đông, chúng tôi lựa chọn các hộ dân có nhiều kinh nghiệm trồng lạc. Tuy nhiên, vì trồng trái vụ (vụ chính là Đông Xuân) nên Trung tâm Khuyến nông chú trọng công tác hướng dẫn tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, theo dõi sát sao diễn biến quá trình sinh trưởng phát triển của cây lạc, hướng dẫn bà con phòng trừ sâu bệnh hại và sử dụng thuốc BVTV hợp lý. Tuy có xuất hiện bệnh héo xanh chết ẻo cây con rải rác giai đoạn sau gieo khoảng 20-25 ngày nhưng đã được xử lý kịp thời và hiệu quả, không ảnh hưởng đến năng suất lạc. Qua mô hình, các hộ dân cũng đã nâng cao trình độ nhận biết sâu bệnh hại, phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, không lạm dụng thuốc BVTV, qua đó giúp hạn chế ô nhiễm môi trường, nguồn nước, giảm tồn dư hóa chất, thuốc BVTV trong sản phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

leftcenterrightdel
Thạc sỹ Nguyễn Thị Hoàng Vi (bên trái) hướng dẫn các hộ dân các biện pháp chăm sóc, phòng trừ dịch hại tổng hợp 

Lạc là cây công nghiệp ngắn ngày, có giá trị kinh tế cao, là cây trồng chính trong nhóm cây trồng cạn nhằm phục vụ kế hoạch chuyển đổi cây trồng của tỉnh. Đến thời điểm hiện tại của năm 2024, diện tích trồng lạc toàn tỉnh 11.817 ha, đạt 106,2% kế hoạch, năng suất bình quân 40,8 tạ/ha, sản lượng đạt 48.168 tấn. Tuy nhiên, cũng như khó khăn chung của sản xuất nông nghiệp cả nước, đầu ra cho sản phẩm lạc bấp bênh, không ổn định, thường xuyên xảy ra tình trạng “được mùa mất giá, mất mùa được giá”. Việc xây dựng mô hình thâm canh lạc ứng dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước gắn liên kết chuỗi là hết sức cần thiết để giúp người dân yên tâm phát triển sản xuất, nâng cao giá trị cho nông sản, tăng thu nhập cho nông dân.

 

Ông Đỗ Minh Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, cho biết: Mô hình bước đầu hình thành tư duy và duy trì thói quen thực hành sản xuất an toàn, đảm bảo chất lượng, xây dựng được chuỗi sản xuất và tiêu thụ tại địa phương. Đây là mô hình có khả năng nhân rộng cao, phù hợp với các vùng chuyển đổi cây trồng cạn. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để tiết kiệm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân./.

Thành Nguyên

Trung tâm Khuyến nông Bình Định