Xã Thống Nhất là một xã miền núi thuộc vùng III nằm ở phía Nam của huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng. Toàn bộ dân số của xã đều là dân tộc thiểu số chủ yếu là dân tộc Nùng và Tày. Do điều kiện địa hình đồi núi phức tạp đường giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, lương thực, thực phẩm chủ yếu mang tính tự cung, tự cấp chưa trở thành hàng hoá, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 51,02%; hộ cận nghèo chiếm 11,43% (năm 2022). Trong cơ cấu cây trồng của người dân địa phương chủ yếu cây ngô, cây lúa... là cây trồng chính, ngành nghề chính là sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Hiện nay ngành chăn nuôi đại gia súc của xã đã được chú trọng phát triển, số lượng đàn gia súc liên tục tăng lên. Năm 2022, đàn trâu là 1.513 con; đàn bò: 309 con; đàn ngựa: trên 100 con.

Để có nguồn chế biến thức ăn thô xanh phục vụ chăn nuôi đại gia súc, năm 2022 từ nguồn ngân sách địa phương Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp Cao Bằng đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Hạ Lang và UBND xã Thống Nhất thực hiện mô hình trồng cỏ giống mới (cỏ voi xanh không lông) và chế biến thức ăn thô xanh phục vụ chăn nuôi đại gia súc thích ứng với biến đổi khí hậu tại xã Thống Nhất.

Mô hình được thực hiện với mục tiêu giúp người dân chuyển đổi diện tích đất trồng kém hiệu quả sang trồng giống cỏ mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, đồng thời giúp bà con nông dân chủ động được nguồn thức ăn thường xuyên và chế biến, ủ chua để dự trữ nguồn thức ăn cho Trâu, Bò vào mùa đông giá rét có chất lượng hơn để phục vụ phát triển chăn nuôi đại gia súc nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.

leftcenterrightdel

Đại biểu thăm quan mô hình cỏ voi xanh không lông tại xã Thống Nhất, huyện Hạ Lang 

Mô hình được triển khai thực hiện từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2022 với quy mô 03 ha, có 35 hộ nông dân tham gia. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống, vật tư, phân bón từ nguồn ngân sách nhà nước, được tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc và kỹ thuật chế biến, ủ chua cỏ để bảo quản dự trữ nguồn thức ăn phục vụ trong chăn nuôi đại gia súc. Sau khoá tập huấn 100% học viên nắm được kiến thức về kỹ thuật trồng, chăm sóc và kỹ thuật chế biến, ủ chua thức ăn thô xanh, áp dụng được vào thực tế trong chăn nuôi và có thể hướng dẫn cho người khác cùng làm theo. Ngoài tập huấn kỹ thuật cho 35 hộ dân tham gia mô hình, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp còn tập huấn cho 30 hộ dân ngoài mô hình để họ hiểu và nắm được quy trình kỹ thuật về trồng, chăm sóc và chế biến, ủ chua cỏ để có thể nhân rộng diện tích trồng cỏ trên địa bàn; Tổ chức Hội nghị tham quan - tổng kết mô hình với tổng số 50 hộ nông dân và đại biểu tham gia để đánh giá hiệu quả mô hình.

Sau hơn 6 tháng thực hiện kết quả đạt được như sau: cây cỏ có tỷ lệ sống đạt trên 95%, chiều cao cây trung bình từ 1,6 - 2m cây sinh trưởng, phát triển tốt. Năng suất trung bình đạt khoảng 280 tấn/ha/năm (mỗi năm cho thu hoạch 4-5 lứa cỏ) tuỳ thuộc vào điều kiện chăm sóc và thời gian thu hoạch, cung cấp nguồn thức ăn cho khoảng từ 32 - 40 con/ha/năm (đối với trâu, bò), 130 - 160 con/ha/năm (đối với trâu, bò vỗ béo nuôi 3 tháng).

Thông qua mô hình người dân địa phương biết áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào phát triển sản xuất nông nghiệp, tận dụng những diện tích đất trồng kém hiệu quả để trồng giống cỏ mới có năng suất cao hơn giống cỏ địa phương, chủ động được nguồn thức ăn thường xuyên và chế biến, ủ chua dự trữ thức ăn qua đông phòng chống đói rét cho trâu, bò khi điều kiện thời tiết bất lợi (mùa đông thời tiết rét đậm rét hại), giúp bà con nông dân phát triển chăn nuôi tăng thêm đàn gia súc, tăng thêm thu nhập và ổn định cuộc sống góp phần vào việc xoá đói, giảm nghèo phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Đinh Thị Âu

Trung tâm KN và Giống nông lâm nghiệp tỉnh Cao Bằng