Xã Cam Thịnh Tây (TP Cam Ranh, Khánh Hòa) có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số Raglai, đất đai khô cằn, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, Cam Thịnh Tây chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi ong lấy mật, đây cũng là nguồn thu nhập quan trọng của nhiều hộ gia đình. Trong khi đó, địa phương này chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất của biến đổi khí hậu, thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán và mưa lũ nên trong chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Do không đảm bảo nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi thường xuyên nên người dân còn chăn nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu là chăn thả, chưa chú trọng đến phát triển đồng cỏ và chế biến các nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi (nhất là trâu, bò).

 

Trong chăn nuôi trâu bò, thức ăn thô xanh chiếm vị trí rất quan trọng và chiếm hơn 80% khẩu phần thức ăn hàng ngày. Vì thế, rất nhiều địa phương đã đẩy mạnh mô hình phát triển đồng cỏ phục vụ chăn nuôi trâu, bò. Tuy nhiên người chăn nuôi vẫn có tập quán sử dụng trực tiếp thức ăn thô xanh và phụ phẩm cây trồng làm thức ăn cho gia súc mà không qua sơ chế, dự trữ. Ngoài việc phơi khô tự nhiên các loại phụ phẩm như rơm lúa, dây đậu phộng, chưa có những kỹ thuật nào khác được áp dụng để sơ chế, chế biến, dự trữ thức ăn cho chăn nuôi gia súc.

 

Những năm gần đây, để chủ động nguồn thức ăn thô xanh bổ sung cho trâu, bò, việc ủ chua cỏ, ngô sinh khối… đã được nhiều vùng áp dụng, từ đó góp phần dự trữ và khai thác hiệu quả nguồn thức ăn thô xanh và các phụ phẩm của ngành nông nghiệp cho vật nuôi. Tuy nhiên, việc ủ chua thức ăn thô xanh chỉ mới được ứng dụng phổ biến ở các trang trại chăn nuôi lớn, các trại chăn nuôi nhỏ, hộ gia đình chưa được thực hiện nhiều.

 

Nhằm nâng cao thu nhập cho người dân xã Cam Thịnh Tây, từ năm 2023 đến nay, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (Viện Nha Hố) đã triển khai nhiều mô hình tại địa phương, trong đó mô hình phát triển đồng cỏ và ủ chua thức ăn chăn nuôi phục vụ đàn gia súc (trâu, bò) của đã mang lại hiệu quả tích cực.

 

Nhận thấy nhiều lợi ích từ mô hình này, nhiều hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn xã Cam Thịnh Tây đã tích cực chuyển một phần diện tích đất nông nghiệp sang phát triển đồng cỏ và áp dụng biện pháp ủ chua làm thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, dần chuyển đổi phương thức từ chăn thả sang nuôi nhốt vỗ béo nhằm tăng hiệu quả sản xuất.

 

Để nhân rộng mô hình, Viện Nha Hố đã phối hợp với Trạm Khuyến nông Cam Lâm và UBND xã Cam Thịnh Tây tổ chức tập huấn từ trồng, chăm sóc đồng cỏ đến thu hoạch, sơ chế và phương pháp ủ chua cỏ để người dân chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc của gia đình. Qua đó đẩy mạnh phát triển đồng cỏ, từng bước chuyển đổi phương thức chăn thả sang nuôi nhốt chuồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

leftcenterrightdel
 Người dân thực hành sơ chế cỏ để ủ chua làm thức ăn cho gia súc

Sau thời gian thực hiện mô hình tại địa phương, hầu hết các hộ đều có chung nhận xét: Trước kia do chăn nuôi trâu bò bằng hình thức chăn thả nên mất nhiều công sức và thời gian nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Bên cạnh đó, việc chăn thả ngoài đồng dễ phát sinh dịch bệnh, trâu bò chậm lớn.

 

Từ khi được cán bộ kỹ thuật của Viện Nha Hố chuyển giao giống cỏ, hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc và ứng dụng phương pháp ủ chua thức ăn cho trâu bò, việc chăm sóc nhẹ công hơn do nguồn thức ăn luôn chủ động, trâu bò nhanh lớn, ít dịch bệnh.

 

Theo báo NNVN