Sau 1 năm thực hiện, chủ hộ đã thu 2 lần hom giống, tiếp tục nhân, đồng thời mua thêm giống để nhân thêm diện tích. Đến nay hộ ông Thanh đã có trên 10 ha sắn giống HN1. Với diện tích giống sắn này ông Thanh có thể cung cấp lượng hom giống để trồng 200 – 250 ha. Số tiền ông thu được từ nguồn hom giống là 400 - 500 triệu/ha, từ củ là 100 – 110 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí về giống, phân bón và công khoảng 90 triệu đồng/ha thì lợi nhuận thu về 510 – 620 triệu đồng/ha. Nguồn lợi nhuận này rất cao so với các loại cây công nghiệp ngắn ngày khác đang sản xuất hiện nay tại Đồng Nai.
Từ mô hình cho thấy, giống sắn HN1 thích hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng và canh tác tại Đồng Nai. Cây sinh trưởng và phát triển tốt, không phát hiện nhiễm bệnh khảm lá sắn. Thân cây thẳng, to khỏe và nhặt mắt (cao 2 – 2,4m), ít phân nhánh, dạng đa thân (2 – 4 thân/ bụi). Sau khi trồng 6 tháng có thể thu hoạch hom giống lần thứ nhất, sau đó tiếp tục chăm sóc để cây phát triển và thu hom giống lần thứ 2 (6 tháng sau). Sau khi thu hom giống lần thứ 2 thì tiến hành thu củ. Hệ số nhân giống: trung bình 2 thân cây/ bụi, mỗi thân cây cho 5 – 7 hom giống, thu hoạch 2 lần. Từ 01 ha giống ban đầu có thể cung cấp lượng hom giống cho 20 – 25 ha. Giá hom giống cung cấp để trồng trên 01 ha khoảng 20 triệu đồng. Năng suất củ 40 - 45 tấn/ha, giá 2.500 đồng/kg sắn tươi, thành tiền từ 100 - 112 triệu. Quy trình trồng và chăm sóc giống sắn HN1 cũng tương tự như các giống sắn khác đang trồng tại Đồng Nai.
Cây sắn là cây công nghiệp ngắn ngày được trồng và phát triển ở hầu hết các huyện thị tại Đồng Nai, diện tích trồng sắn hàng năm khoảng 11 – 14 nghìn ha. Giống sắn trồng phổ biến là HL-S11, HL-S10, KM 94, KM 60, KM 140, KM 140, KM 419. Trong đó diện tích trồng giống HL-S11 – giống nhiễm bệnh SLCMV rất nặng - chiếm tỷ lệ gần 30 %. Tháng 6/2018, bệnh khảm lá sắn xuất hiện trên địa bàn các huyện Trảng Bom và Định Quán hơn 06 ha. Sau đó, bệnh lây lan toàn tỉnh, diện tích nhiễm khoảng trên 60% diện tích trồng. Bệnh phát sinh đã làm giảm đáng kể năng suất và hàm lượng tinh bột củ, làm tăng chi phí phòng trừ dẫn đến người sản xuất sắn không có lãi. Diện tích trồng sắn tại Đồng Nai cũng giảm dần, năm 2023 còn gần 9 nghìn ha. Một số diện tích chuyển qua trồng các loại cây khác, diện tích không chuyển đổi qua trồng cây khác thì nông dân tiếp tục duy trì trồng sắn để giữ cỏ. Tuy nhiên, do cây giống đã nhiễm nguồn bệnh nên sau khi trồng, cây sắn nảy mầm đã có triệu chứng nhiễm bệnh dẫn đến cây sắn phát triển còi cọc và giảm năng suất đáng kể.
Mô hình “Sản xuất giống sắn kháng bệnh khảm lá” ngoài mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất còn cung cấp nguồn giống sắn sạch và kháng bệnh khảm lá, đạt năng suất củ và hàm lượng tinh bột cao, giúp người dân yên tâm sản xuất và phát triển ngành trồng sắn bền vững tại Đồng Nai.
Sau khi thực hiện mô hình đạt hiệu quả cao, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai cũng đã tổ chức hội thảo để đánh giá kết quả thực hiện và nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh. Hội thảo diễn ra thành công và được phần đa nông dân sản xuất sắn tại Đồng Nai hưởng ứng nhân rộng mô hình. Với hệ số nhân giống từ 01ha sẽ được lượng hom giống trồng trên 20 ha, Đồng Nai sẽ sớm giải quyết được bệnh bệnh khảm lá sắn đang gây hại và phục hồi ngành trồng sắn mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
Lê Thị Hồng
Trung tâm DVNN tỉnh Đồng Nai