TTDVNN tỉnh Long An đã thực hiện dự án đến nay là năm thứ ba, với mục tiêu hướng đến của dự án là xây dựng mô hình sản xuất lúa ứng dụng gói kỹ thuật đồng bộ từ khâu gieo cấy cho đến thu hoạch, giúp tạo sản phẩm hàng hóa đảm bảo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Tính đến thời điểm này dự án đã xây dựng được 03 mô hình trên địa bàn tỉnh Long An, với quy mô 50 ha/mô hình; trong đó, yêu cầu sản xuất lúa là áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến, sử dụng giống lúa đạt cấp xác nhận trở lên; mật độ gieo sạ 80 kg/ha bằng máy sạ cụm; sử dụng thiết bị bay không người lái trong bón phân, phun thuốc BVTV;… Nông dân phải là thành viên HTX, khi tham gia mô hình được tập huấn áp dụng kỹ thuật đồng bộ trong sản xuất lúa giảm chi phí; nâng cao năng lực quản lý cho hợp tác xã,…
Tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ 50% chi phí mua máy gieo sạ theo cụm (với số tiền hỗ trợ là 245 triệu đồng), 50% phần còn lại do HTX đối ứng để mua máy (gồm thiết bị sạ cụm của Hàn Quốc kết nối với đầu máy kéo nông nghiệp Kubota L 5018); 50% chi phí mua lúa giống đảm bảo đạt chất lượng (cấp xác nhận).
Với những chính sách hỗ trợ thiết thực cùng với kết quả đạt được của dự án trong thời gian qua đã giúp người trồng lúa của tỉnh Long An nhận thấy rõ hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất lúa. Trong đó, có hiệu quả của việc dùng giống lúa xác nhận, ưu điểm của việc giảm lượng giống trong gieo sạ, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ từ gieo cấy, bón phân, phun thuốc, thu hoạch,… đã góp phần giảm bớt chi phí sản xuất đầu vào, từ đó mang lại hiệu quả cao hơn cho người trồng lúa. Đây là những tín hiệu rất tích cực để giúp cho người trồng lúa tin tưởng và mạnh dạn hơn trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất.
Đặc biệt, mô hình có liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn doanh nghiệp, tạo vùng nguyên liệu được cấp mã số vùng trồng, liên kết hợp tác xã với doanh nghiệp giúp tiêu thụ sản phẩm ổn định và bền vững hơn. Để đạt điều kiện cấp mã số vùng trồng, nông dân phải tuân thủ các quy định sản xuất an toàn về kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là phải ghi chép nhật ký sản xuất thường xuyên và đầy đủ. Việc xây dựng mã số vùng trồng đã mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực giúp chăm sóc lúa được tốt hơn, đồng thời đảm bảo tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường xuất khẩu. Đây là điều kiện tiên quyết giúp cho sản phẩm địa phương dễ dàng tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước.
Trước tình hình giá lúa gạo trong nước và xuất khẩu vẫn ở mức tăng như hiện nay, đã giúp cho người trồng lúa gia tăng lợi nhuận và ngày càng mạnh dạn hơn trong việc đầu tư cho sản xuất nhằm góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm do mình làm ra.
Vì thế, việc thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long” thuộc chương trình Khuyến nông Quốc gia đã và đang dần phát huy hiệu quả trong thời điểm hiện tại, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi, tạo sản lượng hàng hóa lớn, đảm bảo an toàn, tăng tính cạnh tranh, nâng cao uy tín và chất lượng cho lúa gạo xuất khẩu của tỉnh Long An nói riêng và Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế./.
Vân Hạ
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Long An