Trong đó có 13 mô hình trồng trọt, 2 mô hình lâm nghiệp, 5 mô hình chăn nuôi và 7 mô hình thuỷ sản. Ngoài ra trực tiếp thực hiện và phối hợp với các đơn vị thực hiện 09 dự án khuyến nông từ ngân sách của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.

Thông qua các hoạt động xây dựng mô hình trình diễn, đã đưa những tiến bộ khoa học công nghệ về với bà con nông dân đã góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi và gia tăng giá trị sản xuất cho người nông dân; giúp nông dân thay đổi từ phương thức canh tác phân tán, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ số, tạo ra sản phẩm hàng hóa, có năng suất, chất lượng cao.

Một số kết quả nổi bật trong công tác xây dựng mô hình trình diễn là:

- Ứng dụng công nghệ số vào xây dựng mô hình

Đã triển khai Dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình quản lý tự động các yếu tố môi trường ao nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn” tại xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu với quy mô 01ha.

Đây là chương trình thuộc nguồn của Sở Khoa học công nghệ. Ngoài hỗ trợ con giống, thức ăn còn hỗ trợ bộ cảm biến cho hộ tham gia xây dựng mô hình. Hệ thống cảm biến sẽ theo dõi liên tục và đưa ra cảnh báo, người nuôi sẽ thấy rõ sự dao động của các chỉ số môi trường nước (DO; pH; Nhiệt độ; Độ mặn (‰); ORP) để có thể đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp và kịp thời, hạn chế tối đa sự biến động các chỉ số môi trường ao nuôi. Sau 3 tháng triển khai vụ 1 cỡ tôm thu hoạch đạt: 35 - 40 con/kg; Tỷ lệ sống ≥ 75%; năng suất ≥ 24 tấn/ha. Sau khi trừ các khoản chi phí con giống, thức ăn, thuốc chế phẩm sinh học, công chăm sóc, điện, nước…vv mô hình cho lợi nhuận trên 01 tỷ đồng. Dự án đã được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu đánh giá thành công.

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo Sở KN&CN, lãnh đạo TTKN Nghệ An kiểm tra mô hình

- Xây dựng mô hình tuần hoàn

Thực hiện “Mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn bằng hệ thống tuần hoàn nước khép kín” tại hộ ông Hoàng Anh Minh - xóm Mai Giang 1- xã Quỳnh Bảng – huyện Quỳnh Lưu.

Ngoài sử dụng công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh ba giai đoạn trong nhà kín và bể nổi, còn kết hợp với hệ thống tuần hoàn tái sử dụng nước làm cho thời gian xử lý nước ao nuôi xoay vòng cho vụ nuôi mới sẽ nhanh hơn, tiết kiệm được nhiều thời gian hơn, chi phí xử lý tái tạo nguồn nước cũ sẽ rẻ hơn so với việc cải tạo ao nuôi từ quy trình như ban đầu (tháo cạn nước, nạo vét bùn, phơi đáy, bón vôi, cấp nước,…). Hệ thống xử lý nước được bố trí ở 4 ao và bể. Nước thải và bùn thải được xi phông ra từ các ao nuôi được thu gom về ao chứa bùn. Tại đây có thả cá rô phi để xử lý nước, sau khi cá rô phi xử lý và bùn đã được lắng chìm xuống đáy thì bơm phần nước thải lơ lửng từ ao chứa bùn sang ao lắng. Tiếp tục nước từ ao lắng được luân chuyển qua các bể lọc sinh học, bể này được thiết kế các hạt nhựa sinh học nhằm tiếp tục lọc, lắng những chất lơ lửng còn lại và các chế phẩm vi sinh được xử lý tại đây. Từ bể lọc sinh học này nước được chuyển qua bể chứa nước tiếp theo trước khi được bơm trở lại ao nuôi.

 Sau 5 tháng triển khai cỡ tôm thu hoạch đạt bình quân 35 con/kg; Tỷ lệ sống 80%; FCR: 1.2, sản lượng tôm thu được 6.700 kg/vụ nuôi, mô hình thu được trên 1.200 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí con giống, thức ăn, thuốc chế phẩm sinh học, công chăm sóc, điện, nước…vv mô hình cho lợi nhuận trên 200.000.000 đồng.

- Xây dựng các mô hình theo tiêu chuẩn hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị

Dự án “Xây dựng mô hình mẫu sản xuất chè hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị tại Nghệ An giai đoạn 2022   2024” với quy mô 10 ha với sự tham gia của 10 hộ dân tại xã Bình Sơn huyện Anh Sơn từ nguồn kinh phí của Khuyến nông Quốc gia.

Sau 2 năm thực hiện, bước đầu cho thấy dự án đã có những kết quả đáng khích lệ, bà con thực hiện đúng quy trình kỹ thuật sản xuất chè hữu cơ từ các khâu chăm sóc thâm canh; bón phân cân đối về dinh dưỡng, bón đúng cách, đúng thời điểm; đặc biệt mô hình hỗ trợ phân hữu cơ vi sinh kết hợp kiểm soát tốt sâu bệnh bằng thuốc sinh học… nên toàn bộ diện tích chè của mô hình sinh trưởng tốt, ít bị sâu bệnh hại, đất tơi xốp, búp ra đều, năng suất bình quân đạt 1,5-2,5 tấn/ha/lứa.

Mặc dù năng suất chè búp tươi trong mô hình thấp hơn khoảng 30% so với năng suất ngoài mô hình nhưng hiện nay dự án đã hỗ trợ thành lập được Hợp tác xã sản xuất chè hữu cơ Bình Sơn, thành viên có các hộ tham gia mô hình, để quản lý sản xuất, đứng ra ký hợp đồng với các doanh nghiệp khác để bao tiêu sản phẩm.

Hiện nay, sản phẩm chè trong mô hình được Công ty xuất khẩu chè Sông Lam cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá bán dự kiến tối thiểu gấp 1,5 lần giá chè thông thường sau khi chè mô hình được chứng nhận hữu cơ.

- Tiếp tục xây dựng các mô hình khuyến nông theo tiêu chuẩn VietGAP

Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm tạo ra sản phẩm sạch, đồng thời truy nguyên xuất xứ, nguồn gốc của sản phẩm, là xu hướng tất yếu của sản xuất hiện nay. Vì vậy, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục triển khai các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, thuỷ sản theo tiêu chuẩn VietGAP như: Mô hình trồng thâm canh chuối giống mới theo tiêu chuẩn VietGAP; Trồng thâm canh cà rốt tiêu chuẩn VietGAP; Chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang sản xuất cà chua theo tiêu chuẩn VietGAP; Trồng thâm canh Ổi lê Đài Loan theo tiêu chuẩn VietGAP; Chăn nuôi lợn thịt thương phẩm trên nên chuồng sàn theo tiêu chuẩn VietGAHP, xử lý chất thải bảo vệ môi trường; Chăn nuôi gà thịt theo tiêu chuẩn VietGAHP; Nuôi lươn khép kín theo tiêu chuẩn VietGAP. Các mô hình đã triển khai đúng tiến độ, đạt kết quả cao và được bà con nông dân cũng như lãnh đạo địa phương, lãnh đạo Sở nông nghiệp & PTNT đánh giá cao.

- Nâng cao chất lượng nhân rộng mô hình trình diễn

Song song với việc xây dựng mô hình đạt kết quả cao thì Trung tâm Khuyến nông đã tập trung thực hiện các hoạt động gắn với tuyên truyền, nhân rộng mô hình. Theo đó, đã thực hiện 6 trang chuyên đề và 08 trang phóng sự trên truyền hình tỉnh gắn với các mô hình đã thực hiện nhằm đưa hình ảnh, kết quả và những chia sẻ của các hộ nông dân trong quá trình tham gia thực hiện mô hình. Bên cạnh đó, chương trình Nhịp cầu nhà nông, trang web, tập san Khuyến nông, trang báo điện tử và báo giấy của tỉnh thường xuyên cập nhật, đăng tải kịp thời các tin, bài về hình ảnh và kết quả của mô hình. Từ đó, bà con nông dân và người sản xuất được tiếp cận, tìm hiểu và có những áp dụng, góp phần vào nhân rộng mô hình vào sản xuất.

Trên cơ sở kết quả đó, năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhân rộng mô hình, trong đó tiếp tục gắn công tác xây dựng mô hình với công tác tập huấn, thông tin tuyên truyền, nhất là chủ trương lồng hình ảnh và kết quả mô hình vào bài giảng nhằm làm phong phú bài giảng gắn với tính thực tiễn trong công tác tập huấn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng mô hình năm 2024.

Nguyễn Hồng Giang

Trung tâm Khuyến nông Nghệ An