Mô hình được thực hiện từ tháng 06/2022 tại hộ bà Huỳnh Thị Bích Vương, thôn Cà Đú, thị trấn Khánh Hải, với quy mô 4.500 m2, mật độ thả nuôi 100 con/m2 (450.000 con, 23.000 con/kg). Hộ dân tham gia mô hình được đầu tư từ nguồn ngân sách 50% chi phí con giống, 50% chi phí thức ăn, 50% chi phí vật tư: vôi, thuốc, hóa chất... Các công tác chọn điểm, chọn hộ, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến công tác giao con con giống đúng tiêu chuẩn và kiểm soát chặt chẽ quy trình kỹ thuật đều được Trạm Khuyến nông Ninh Hải nghiêm túc thực hiện.

Sau 6 tháng nuôi, tỷ lệ sống của ốc hương đạt 80%, tốc độ sinh trưởng và phát triển đồng đều, trọng lượng ốc hương dao động từ 95 – 100 con/kg. Từ kết quả trên, có thể tính được sản lượng đạt 3.600 kg, với giá bán hiện tại 290.000 đồng/kg, thu về 1.044.000 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí thu về lợi nhuận 457.000 triệu đồng, cao hơn 26%, vượt chỉ tiêu mô hình đề ra (chỉ tiêu là lợi nhuận mô hình tăng ≥ 10% so với ngoài mô hình).

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham quan mô hình

Ngoài kết quả nuôi đạt hiệu quả về kinh tế thì so với phương thức nuôi trước đây (1 hoặc 2 giai đoạn), mô hình nuôi thương phẩm ốc hương 3 giai đoạn cho thấy nhiều ưu điểm nổi bật. Đó là giúp cho việc quản lý, chăm sóc ao nuôi được thuận tiện, dễ dàng và hiệu quả; giúp môi trường đáy ao nuôi được sạch sẽ, ít bị ô nhiễm, từ đó hạn chế rủi ro, bệnh tật trong quá trình nuôi, đồng thời tạo điều kiện ốc nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, tăng tỷ lệ sống.

Một thế mạnh khác của mô hình nuôi ốc hương 3 giai đoạn là ít rủi ro dịch bệnh. Vì mùi hôi đặc trưng của ao nuôi ốc hương nên việc vệ sinh đáy ao sau khi cho ốc ăn được chú trọng. Các ao đìa nuôi ốc hương phải thay nước hằng ngày, thức ăn cho ốc hương dù tươi sống nhưng không bao giờ bỏ thừa trong ao nên không gây ô nhiễm nước và nước ao luôn sạch.

Tại buổi tổng kết, các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và bà con nuôi trồng thủy sản trong vùng mô hình đánh giá: Giải pháp của mô hình đã hạn chế dịch bệnh, nâng cao tỷ lệ sống, rút ngắn thời gian, tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn ven biển, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế vùng nuôi thủy sản ở vùng Đầm Nại. Vì vậy, mô hình  rất cần được hỗ trợ triển khai nhân rộng ở các địa phương trên địa bàn huyện trong những năm tiếp theo./.

Cơ Nguyên

Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận