Dự án đã chuyển giao, tiếp nhận, đào tạo 8 kỹ thuật viên, tập huấn 3 quy trình kỹ thuật: quy trình sản xuất hạt lúa giống xác nhận đối với giống lúa HT1; sản xuất hạt lúa giống xác nhận đối với giống lúa Khang dân 18 (KD18) và chế biến, đóng gói hạt lúa giống xác nhận, có hơn 80 lượt nông dân địa phương tham dự. Trong suốt qua trình triển khai cán bộ kỹ thuật thường xuyên thăm đồng, sát cánh cùng HTX và nông dân, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật thâm canh chăm sóc giống lúa cấp xác nhận HT1 & KD18; hỗ trợ kỹ thuật khử lẫn và công nghệ sấy chế biến hạt lúa giống...
Vụ đông xuân 2022 - 2023 (vụ thứ 2), HTX Bình Đào tổ chức sản xuất 10 ha lúa giống HT1 và HD18 tại tổ 6, thôn Trà Đỏa II, với 80 hộ tham gia. Các hộ dân tham gia mô hình được cấp phân bón, vật tư nông nghiệp; được hỗ trợ cải tạo, vệ sinh và gia cố lại hệ thống kênh mương dẫn nước vào khu vực sản xuất; được hỗ trợ tiền khoan 02 giếng nước, lắp đặt máy bơm để chủ động nước tưới phục vụ sản xuất.
Qua 02 vụ sản xuất cho thấy kết quả mô hình đạt được rất khả quan: Giống HT1 có thời gian sinh trưởng từ gieo sạ đến thu hoạch là 106 ngày. Giống lúa KD18 từ gieo sạ đến thu hoạch là 104 ngày. Về năng suất, giống HT1 đạt năng suất trên 56 tạ/ha, lúa giống đạt chất lượng, độ lẫn thấp. Giống KD18 đạt năng suất trên 64 tạ/ha, lúa giống đạt chất lượng, độ lẫn thấp. Toàn bộ sản lượng lúa giống HT1 và KD18 của mô hình được HTX Bình Đào thu mua tươi tại đồng với giá 6.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường 600 đồng/kg.
Ông Võ Tấn Sanh - Giám đốc HTX Bình Đào chia sẻ, tham gia dự án, người dân và cán bộ HTX được tập huấn các quy trình sản xuất lúa giống đạt chuẩn; được tiếp cận giải pháp quản lý dịch hại IPM, triển khai các giải pháp tưới tiết kiệm “ướt khô xen kẽ” và được hưởng lợi nhiều từ dự án... Mô hình đã giúp nông dân chuyển đổi tư duy từ sản xuất lúa truyền thống manh mún, sang sản xuất tập trung quy mô lớn, thâm canh cùng một loại giống, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học. Bây giờ HTX có thể tự sản xuất lúa giống, liên kết sản xuất lẫn tiêu thụ với nông dân, đưa sản phẩm ra bán ở thị trường.
Theo kỹ sư Nguyễn Văn Hương - chủ nhiệm dự án cho biết: Dự án đặt nền móng để HTX Bình Đào hướng tới phát triển vùng sản xuất lúa giống, không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Dự án còn hỗ trợ HTX Bình Đào lắp đặt dây chuyền thiết bị sấy, sơ chế, làm sạch, phân loại và đóng gói hạt giống; xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu tập thể cho hạt lúa giống xác nhận HT1, KD18… Trong thời gian tới, rất mong các cấp, các ngành hỗ trợ HTX và nông dân tiếp tục duy trì mô hình khi dự án kết thúc, nhân rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa, tuân thủ quy trình sản xuất sạch, an toàn sinh thái, thân thiện môi trường. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan, tìm kiếm, mở rộng đơn vị thu mua, bao tiêu lúa giống sau thu hoạch, bảo đảm giá trị bền vững, để nông dân an tâm phát triển sản xuất./.
Phan Đăng Danh
Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam