Thái Giang có hơn 400 ha diện tích đất canh tác, trong đó có khoảng 20 ha luân canh 4 vụ: khoai tây xuân – dưa gang – mạ mùa – lúa mùa. Nói về hiệu quả của công thức luân canh này, ông Nguyễn Huy Giáp – Chủ nhiệm hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp cho biết: Chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ bắt đầu hơn 10 năm trước, với thành công của cánh đồng 50 triệu đồng/ha. Trên cơ sở đó hợp tác xã đã quy hoạch, mở rộng, cải tạo đồng ruộng, xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu thuận lợi. Kết hợp với các cơ quan chức năng xây dựng các mô hình trình diễn giúp nông dân tiếp cận với mô hình mới. Đồng thời còn tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho mỗi loại cây trồng trước mỗi vụ sản xuất. Bên cạnh đó, cùng với chính sách hỗ trợ của Tỉnh, huyện, xã Thái Giang cũng hỗ trợ nông dân một phần giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thực hiện cơ chế trả chậm khi nông dân mua chịu phân bón tại hợp tác xã. Đặc biệt sản phẩm của nông dân sản xuất ra được hợp tác xã ký kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để nông dân yên tâm sản xuất.

 

Giống khoai tây được hợp tác xã nhập từ Viện cây lương thực, cây thực phẩm về cung ứng cho bà con, cuối tháng 12 đưa ra ruộng trồng. Trồng ở vụ Xuân thời tiết vừa ẩm, vừa rét, bớt rất nhiều công tưới, khoai tây sinh trưởng và phát triển tốt, khi thu hoạch trùng vào thời điểm hiếm rau bao giờ cũng bán được giá cao hơn. Vụ Xuân năm nay, năng suất khoai tây đạt trung bình 6 – 7 tạ/sào, củ to bán tại ruộng giá từ 9.000 đến 10.000 đồng/kg, còn củ nhỏ đem cân cho hợp tác xã với giá 7.500 đồng/kg. Trung bình mỗi sào khoai tây xuân thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng, như vậy 1 ha khoai tây cho thu nhập khoảng 130 – 160 triệu đồng. Sau vụ khoai tây Xuân, nông dân Thái Giang trồng 1 lứa dưa gang xen vụ. Sau khoảng 60 ngày trồng mỗi sào cho sản lượng khoảng 1,2 – 1,5 tấn dưa đã qua sơ chế (nạo ruột), với giá bán đã ký hợp đồng với công ty Thái Dương từ trước khi trồng là 1.300 đồng/kg, thì cho thu nhập 1,5 – 1,9 triệu đồng (trung bình khoảng 50 triệu đồng/ha). Do có cùng thời gian sinh trưởng và chế độ chăm sóc, nhưng cho giá bán cao hơn nên năm nay nhiều hộ nông dân đã trồng dưa lê thay cây dưa gang. Vụ dưa lê này được mùa, được giá, với năng suất trung bình 4 tạ/sào, giá bán tại ruộng 7.000 đồng/kg, mỗi sào dưa lê cho thu khoảng gần 3 triệu đồng. Như vậy chỉ trong vòng thời gian bằng 1 vụ lúa Xuân, 1 ha cây màu Xuân (khoai tây) và cây màu Hè (dưa gang) bán được giá cho thu nhập đạt khoảng 200 triệu đồng, cao gấp khoảng 4 lần so với cấy lúa.

 

Thời điểm này, chúng tôi ra thăm cánh đồng thôn Phất Lộc Tiến, một số nông dân đang chăm sóc mạ mùa, một số đang thu dọn tàn dư thân cây dưa chuẩn bị gieo cấy lúa Mùa. Gia đình bà Bùi Thị Nguyệt có 2,5 sào thuộc đất luân canh 4 vụ, hiện tại một phần diện tích này đang dùng gieo mạ để chuẩn bị cấy lúa Mùa. Năm nay cả khoai tây Xuân và dưa gang đều được mùa, thu nhập 1 sào khoai tây khoảng 5,5 triệu đồng, dưa gang khoảng 1,5 triệu đồng, chưa tính đến vụ lúa mùa sắp tới. Bà Nguyệt vui vẻ tâm sự: "Làm 4 vụ thế này vất vả lắm, gần như suốt ngày ngoài đồng, nhưng chúng tôi lấy công làm lãi, năm nay thời tiết thuận lợi, hợp tác xã giúp đỡ bán sản phẩm nên hơn 2 sào ruộng từ đầu năm đến nay cũng cho thu lãi hơn 10 triệu đồng".

 

Ông Phạm Đắc Kế ở ruộng bên cạnh tiếp lời: "Trước mỗi vụ trồng chúng tôi đều được hợp tác xã cho tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, ngoài ra hợp tác xã còn điều tiết nước tưới, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng cùng nông dân, đến cuối vụ bao tiêu sản phẩm cho chúng tôi nên bà con ai cũng yên tâm sản xuất". Cùng với một số gia đình khác, sau khoai tây Xuân gia đình ông Kế trồng cây dưa lê, với giá bán tại ruộng được 7.000 đồng/kg, gần 3 sào dưa lê cũng cho thu nhập trên 8 triệu đồng. Ông Kế tâm sự: "Trồng dưa lê chi phí, hay kỹ thuật như dưa gang, nhưng giá bán cao hơn nhiều, nếu đầu ra ổn định thì hiệu quả kinh tế rất cao".

 

Được biết năm nay, tại Thái Giang có đến 500 hộ nông dân áp dụng công thức luân canh 4 vụ như thế này, trải đều ở các thôn Phất Lộc Tiến, Phất Lộc Đông, Phất Lộc Tây, Phất Lộc Trung, Hạ Liệt. Cùng với công thức luân canh lúa Xuân – lúa Mùa – khoai tây Đông, thì công thức luân canh khoai tây Xuân – dưa gang (hoặc dưa lê) – mạ Mùa – lúa Mùa đã và đang mạng lại hiệu quả cao cho nông dân trong xã. Có thể khẳng định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ là một trong những cách làm hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp ở xã Thái Giang và hướng đi này sẽ vẫn là lựa chọn trong những năm tới của xã trên con đường xây dựng nông thôn mới.

 

Nguyễn Thị Nguyệt – TTKNKNKN Thái Bình