Được biết, mô hình sản xuất lúa ứng dụng tiến bộ kỹ thuật gắn với tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ nhằm bảo vệ, phát triển đất trồng lúa vụ Mùa năm 2024 do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện tại các xã: Kim Phượng (huyện Định Hóa); Yên Đổ, Hợp Thành, Phấn Mễ (huyện Phú Lương) và Nam Hòa (huyện Đồng Hỷ) với quy mô 250 ha, 1.308 hộ dân tham gia. Các hộ nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học… Sau khi được tập huấn quy trình sử dụng phân bón hữu cơ và tuyên truyền, vận động hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm, rạ tại đồng ruộng thành phân bón hữu cơ, 100% các hộ tham gia mô hình đăng ký mua, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm, rạ với diện tích 130/250 ha. Mô hình sử dụng chế phẩm sinh học Sumitri có công dụng phân giải nhanh các chất hữu cơ như rơm, rạ, xác động, thực vật, chất thải nông nghiệp, hạt cỏ dại… thành chất mùn, chất dinh dưỡng (phân bón hữu cơ) mà cây trồng dễ hấp thu, hạn chế hiện tượng ngộ độc chất vô cơ, cây lúa không bị vàng lá, nghẹt rễ.

Với sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, ngay sau khi gặt lúa vụ Xuân người nông dân tiến hành đưa nước vào ruộng với mực nước ngập mặt ruộng từ 5 đến10 cm; tiến hành sử dụng chế phẩm sinh học Sumitri với liều lượng 1 gói chế phẩm sinh học Sumitri 125gram cho 01 sào Bắc bộ (360 m2) trộn với 3 – 5 kg đất mầu hoặc phân bón rải đều trên ruộng. Sau đó sử dụng máy làm đất ghép lồng trục chạy một lượt để đảo đều chế phẩm Sumitri và làm đứt gốc rạ. Ngâm giữ nước khoảng 10 -20 ngày (nếu thời tiết nắng, nhiệt độ cao thời gian ngâm giữ nước được rút ngắn lại). Sau thời gian ngâm rơm, rạ sẽ mục thành phân bón, đồng thời các hạt lúa rơi rớt lại, hạt lúa ma, hạt cỏ dại chưa mọc mầm sẽ bị thối hỏng không thể nảy mầm. Mạ sau cấy sẽ bén rễ hồi xanh nhanh, cây lúa sinh trưởng phát triển cân đối… góp phần tăng năng suất, thu nhập cho người nông dân.

leftcenterrightdel
 Cấp hỗ trợ vật tư phân bón cho các hộ tham gia mô hình

Cùng với sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm, rạ tại ruộng, mô hình sản xuất lúa ứng dụng tiến bộ kỹ thuật gắn với tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ nhằm bảo vệ, phát triển đất trồng lúa năm 2024 áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất lúa như: Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), sản xuất an toàn VietGAP, hữu cơ… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, gắn với tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, giảm lượng khí phát thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Cung cấp sản phẩm lúa, gạo an toàn cho người sản xuất,người tiêu dùng và toàn xã hội./.

Dương Trung Kiên

Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên