Võ Nhai là vùng trọng điểm trồng cây ăn quả của tỉnh Thái Nguyên với gần 1,6 nghìn ha cây ăn quả; trong đó khoảng 500 ha na. Cây na tại huyện Võ Nhai đã được trồng lâu năm, người nông dân có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất na nhưng mới chỉ chú ý đến sản xuất theo lối truyền thống; thu hoạch quả tập trung trong thời gian ngắn, từ cuối tháng 8 đến hết tháng 9 dẫn đến tiêu thụ khó khăn và bị tư thương ép giá…
|
|
Ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp nâng cao giá trị cho cây na |
Từ tháng 11 năm 2021 đến tháng 11 năm 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức thực hiện Dự án: "Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh cây na rải vụ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên" tại xã La Hiên và xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai. Ban Quản lý Dự án đã tiến hành sắp xếp bố trí 5 thí nghiệm, mỗi thí nghiệm gồm 4 công thức khác nhau được bố trí theo ngẫu nhiên và lựa chọn trên vườn na từ 5-10 tuổi của nông dân, theo phương pháp chọn cây đồng đều trên vườn trồng sẵn, đất ven chân núi tại 2 xã thực hiện dự án. Đồng thời, xây dựng mô hình thâm canh cây na rải vụ với tổng diện tích 03 ha, 8 hộ nông dân tham gia.
|
|
Thăm mô hình tại xã La Hiên và xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai |
Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với đơn vị chuyển giao, chính quyền địa phương hướng dẫn người nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác rải vụ na như biện pháp kỹ thuật chăm sóc, đốn tỉa cành, thụ phấn nhân tạo cho na và kỹ thuật hướng quả trong thân cây na. Việc áp dụng biện pháp kỹ thuật đồng bộ đã làm tăng độ phì của đất, giúp cây sinh trưởng tốt, từ đó, tăng năng suất, chất lượng, kéo dài thời gian thu hoạch và tăng tuổi thọ của cây…
Kết quả mô hình đã kéo dài thời gian thu hoạch quả từ tháng 7 đến tháng 11 trong năm; rải vụ thu hoạch na sớm hoặc muộn hơn so với chính vụ vào các đợt trong năm như: chín sớm vào tháng 7 khoảng 25-30% sản lượng; chín chính vụ trong tháng 8-9 khoảng 55-65% sản lượng và chín muộn tháng 10-11 khoảng 10-15% sản lượng. Đồng thời, mô hình thâm canh cây na rải vụ đã cung cấp sản phẩm na chất lượng cao, quả to, đều mẫu mã đẹp và thơm ngọt đậm hơn; đã nâng cao giá trị sản phẩm hơn 10% so với sản xuất thông thường.
|
|
Sản phẩm na chất lượng cao, quả to, đều mẫu mã đẹp và thơm ngọt đậm |
Ông Kiều Thượng Chất, hộ nông dân tham gia mô hình tại xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai cho biết, khi sản xuất na chính vụ giá bán trung bình từ 25-30 nghìn đồng/kg; nhưng sản xuất trái vụ chúng tôi bán giá cao hơn, trung bình 45-50 nghìn đồng/kg. Đồng thời, ông Chất đã đúc rút được kinh nghiệm thụ phấn cho cây na đậu quả theo ý định để thu hoạch, bán sản phẩm vào những thời điểm hút hàng như trước ngày mồng 1 và hôm rằm...
Qua hoạch toán mô hình cho thấy, mặc dù chi phí vật tư đầu vào thâm canh cây na rải vụ cao hơn gần 6 triệu đồng/ha so với thông thường; nhưng năng suất sản phẩm mô hình tăng 15 nghìn kg/ha và giá bán ở các trà sớm và muộn cao hơn chính vụ ít nhất từ 5 - 10 nghìn đồng/kg. Dự tính, năm 2024 mỗi ha na rải vụ người nông dân thu trên 464,2 triệu đồng, sau khi trừ chi phí vật tư (chưa tính công lao động) thu lãi 328 triệu đồng, cao hơn 123 triệu đồng với sản xuất thông thường và hơn 31 triệu đồng so với năm 2023.
Từ kết quả thực hiện dự án; thông qua các cuộc hội thảo, tập huấn, tuyên truyền mô hình thâm canh na rải vụ đã được nhân rộng thêm 03 ha trên địa bàn 02 xã La Hiên và Phú Thượng, huyện Võ Nhai.
|
|
Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện dự án |
Đến nay, Dự án "Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh na rải vụ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên", giai đoạn 2021 – 2024 đã hoàn thành mục tiêu đề ra và đạt kết quả cao. Dự án thành công đã nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm na nói riêng; hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững. Ban Chủ nhiệm Dự án sớm hoàn thiện quy trình thâm canh cây na rải vụ của tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời, Trung tâm Khuyến nông sẽ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố và các địa phương tuyên truyền khuyến cáo, nhân rộng kết quả mô hình trên địa bàn tỉnh./.
Dương Trung Kiên
Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên