Những mô hình thành công

 

Trong những năm qua, hệ thống khuyến nông Tuyên Quang đã thực hiện nhiều giải pháp, góp phần nâng cao hiệu quả của các các chuỗi liên kết; các mô hình, dự án liên kết bao tiêu sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp, tạo nền tảng cho người nghèo nâng cao thu nhập, giảm nghèo và làm giàu.

 

Thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi trâu sinh sản liên kết theo chuỗi giá trị thuộc chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Sơn (Trung tâm) phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành triển khai thực hiện dự án trên địa bàn các xã: Hùng Lợi, Tân Long, Tiến Bộ, Kim Quan, Đội Bình, Kiến Thiết, Lang Quán… với 125 hộ tham gia. Mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 01 con trâu giống có trọng lượng 350 kg, thức ăn bổ sung, máy băm cỏ với tổng kinh phí trên 8 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 5 tỷ đồng.

 

Trước khi thực hiện bàn giao trâu giống sinh sản, Trung tâm đã tiến hành thẩm định các điều kiện theo yêu cầu của dự án, tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trâu giống, cách làm chuồng trại, cách xử lý một số bệnh thường gặp ở trâu. Toàn bộ số trâu giống trao cho bà con đều đã được tiêm phòng và kiểm dịch cẩn thận, sức khỏe đảm bảo. Anh Dì Văn Nghiêm thôn Yểng xã Hùng Lợi là hộ cận nghèo được hỗ trợ 01 con trâu cái, 01 máy cắt cỏ, 02 túi ủ cỏ và hơn 400 kg thức ăn tinh. Sau thời gian nuôi dưỡng đến nay, trâu của gia đình anh đã đẻ được 01 nghé khỏe mạnh.

 

Tại huyện Chiêm Hóa, liên kết sản xuất đã đem lại hiệu quả thiết thực giúp nâng cao nhận thức của người dân từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, góp phần nâng cao thu nhập. Anh Hà Vĩnh Bằng, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Hòa (Chiêm Hóa) cho biết: HTX được thành lập vào năm 2023 với 10 thành viên, thực hiện chuỗi liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm dưa chuột. Đến nay, HTX có 14 thành viên tổ chức sản xuất và ký hợp đồng liên kết, tiêu thụ dưa chuột cho trên 250 hộ với 25 ha tại các xã Tân Thịnh, Phúc Thịnh, Nhân Lý, Hòa An, Trung Hòa… Hằng năm trước mỗi vụ sản xuất HTX đều phối hợp với hệ thống khuyến nông tổ chức tập huấn kỹ thuật, cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Năm 2024, doanh thu của HTX đạt trên 5 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi gần 1 tỷ đồng.

 

Chị Ma Thị Diện, thôn An Thịnh, xã Phúc Thịnh cho biết, được HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Hòa vận động trồng dưa chuột theo chuỗi liên kết, trong đó hợp tác xã cung ứng giống, vật tư, phân bón và ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm dưa chuột cho gia đình theo giá thị trường. Vụ đông xuân 2024-2025, gia đình chị trồng hơn 1.800 m2, với giá bán bình quân được 7.000-8.000 đồng/kg, gia đình chị thu về được hơn 80 triệu đồng.

 

Còn tại huyện Sơn Dương, nổi bật là Dự án phát triển sản xuất chăn nuôi dê sinh sản liên kết theo chuỗi giá trị do Trung tâm DVNN huyện chủ trì. Dự án được triển khai thực hiện tại các xã: Lương Thiện, Chi Thiết, Đông Lợi, quy mô 360 con/36 hộ tham gia (10 con dê/hộ). Ông Trần Văn Cường, xã Đông Lợi chia sẻ: “Gia đình tôi vui lắm, được Nhà nước hỗ trợ cả đàn dê to khẻo và còn được cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn cách làm chuồng, chăm sóc và phòng dịch bệnh cho dê nên gia đình rất yên tâm, đây sẽ là nguồn thu chủ lực để từng bước nâng cao đời sống, các con được học hành đầy đủ”.

leftcenterrightdel

Lãnh đạo TTKN kiểm tra đàn dê của gia đình anh Cường 

Bên cạnh việc thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất, hệ thống khuyến nông còn thực hiện một số mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao, được nhân ra diện rộng như: Mô hình nuôi ong mật gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Thái Bình (Yên Sơn) đã hỗ trợ 900 đàn ong nội giống Apis Cerena, 180 kg phấn hoa, 16,2 tấn đường, 18 thùng quay mật và bộ dụng cụ nhân đàn cho 18 hộ tham gia mô hình. Đến nay, sản phẩm mật ong Bình Ca đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân; Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi dê sinh sản tại Tuyên Quang” tại 03 xã Bình An, Phúc Sơn, Hồng Quang, huyện Lâm Bình. Đã hỗ trợ 150 con dê giống lai Boer, trong đó có 15 con dê đực và 135 con cái cho 15 hộ tham gia (mỗi hộ được hỗ trợ 9 con dê cái, 1 con dê đực); Mô hình nuôi vịt thương phẩm (vịt bầu đất) an toàn sinh học gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, quy mô 3.000 con/15 hộ, tại xã Bằng Cốc (Hàm Yên); Mô hình liên kết chăn nuôi gà an toàn sinh học hướng tới xây dựng thương hiệu, quy mô 6.000 con/12 hộ tại xã Hợp Thành, Kháng Nhật (Sơn Dương)…

 

Đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành

 

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Hình thức này đảm bảo cho các hộ nông dân tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

 

Đồng chí Nguyễn Thị Kim, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang cho biết, thời gian qua, bám sát định hướng của ngành nhằm phát triển nông nghiệp sinh thái, hiệu quả và bền vững theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, hoạt động khuyến nông đã hỗ trợ nông dân sản xuất hàng hóa, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ 4.0, chuyển đổi số vào sản xuất. Các chương trình khuyến nông về áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), phát triển mạnh trồng cây dược liệu; cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm được triển khai rộng rãi và đạt kết quả khá tốt. Mỗi năm, Trung tâm Khuyến nông thực hiện 10 lớp tập huấn về liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản theo chuỗi thị trường, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản; 5-6 mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức thu mua được hơn 10.000 tấn sản phẩm nông sản (dưa chuột, ớt, ngô sinh khối, dâu tằm, gấc…) cho các hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh.

 

Trong thời gian tới, hệ thống khuyến nông Tuyên Quang sẽ tiếp tục hướng dẫn nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị, hỗ trợ nông dân tổ chức lại sản xuất, xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, nông nghiệp xanh gắn với bảo vệ môi trường như nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, chuyển đổi số... nhằm phát triển ngành nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, đảm bảo chất lượng, hội nhập quốc tế theo chiều sâu và nâng cao thu nhập cho nông dân./.

 

Vũ Ngọc Tuyên

Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang