Ngoài diện tích nuôi trồng thủy sản rộng 125.000 ha, tỉnh còn có vùng đặc quyền kinh tế rộng hơn 20.740 km2 nằm ở biển Đông, có trữ lượng hơn 460.000 tấn thủy sản các loại, với 33 loài tôm và trên 2.000 cá, trong đó khoảng 130 loài có giá trị kinh tế cao. Hàng năm vùng biển này cho phép khai thác trên 100.000 tấn thuỷ sản các loại. Đặc biệt, dọc theo bờ biển có nhiều cửa sông lớn rất thuận lợi cho việc khai thác hải sản, nhất là đánh bắt xa bờ; cung cấp nước mặn và con giống cho nuôi trồng thủy sản. Khu vực nội địa trong bờ biển của tỉnh nằm 2 bên Quốc lộ 1A, có hơn 135.000 ha đất thuộc vùng sinh thái mặn và nước lợ có khả năng nuôi trồng và phát triển đa dạng các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, nhất là nghề nuôi tôm sú, cua, cá kèo...; đồng thời có điều kiện thích hợp cho việc hình thành các trung tâm sản xuất con giống phục vụ cho nuôi trồng thủy sản.

“Biển bạc” là câu nói được đúc kết từ ngàn đời xưa nhưng ngày nay không những có giá trị thực tiễn mà còn là “kim chỉ nam” hành động của Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu. Xác định mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Bạc Liêu tập trung khai thác tối ưu các nguồn lợi từ biển, trở thành nguồn kinh tế chủ lực trong lương lai, phấn đấu trở thành địa phương mạnh về kinh tế biển, làm giàu từ biển, bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội trên vùng đặc quyền kinh tế biển.

Để đạt được mục tiêu này, Bạc Liêu tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc,… phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; xây dựng cảng cá, bến cá và khu vực neo đậu tàu tránh bão ở các cửa sông lớn; nâng cấp mở rộng cảng cá Gành Hào đạt quy mô cảng cá loại I trong hệ thống cảng biển Việt Nam , với diện tích xây dựng đến 13 ha. Đồng thời tiếp tục phát triển mạnh các ngành nghề khai thác biển và vùng ven biển, đặc biệt là môi trường nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản và hệ thống dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế biển. Trong đó, quy hoạch vùng nuôi, phát triển các mô hình nuôi nhuyễn thể và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ; củng cố, xây dựng mới và tạo điều kiện cho các hợp tác xã nuôi nghêu, sò ngoài biển hoạt động có hiệu quả, với quy mô 3.350 ha, sản lượng đạt khoảng 13.500 tấn vào năm 2015.

Cùng với đó, Bạc Liêu đẩy mạnh đầu tư các đội tàu đánh bắt xa bờ, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng được các yêu cầu khai thác thủy sản dài ngày trên biển, có hiệu quả kinh tế cao và gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia biển đảo. Theo đó, tỉnh này phấn đấu đến năm 2020, đạt tổng sản lượng thủy sản 334.000 tấn, tăng 100.000 tấn so với năm 2010, trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản 214.000 tấn, sản lượng khai thác thủy sản 120.000 tấn. Phấn đấu giá trị sản xuất toàn vùng năm 2015 đạt 21.070 tỷ đồng, đưa GDP đạt 8.600 tỷ đồng, bình quân tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 đạt 13,64%. Giá trị hàng hóa xuất khẩu 240 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn 170 triệu USD, chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết 09 NQ/TW ngày 09/02/2007 về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, tỉnh Bạc Liêu đã ban hành cơ chế chính sách để thu hút vốn đầu tư; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng; phát triển mạnh các ngành nghề khai thác biển và vùng biển; từng bước hình thành các đội tàu công suất lớn hoạt động trên biển; xây dựng một số cụm kinh tế, đô thị ven biển, phát triển mạnh các loại hình du lịch và dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế biển...

Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình, dự án trọng điểm như: Cảng biển Gành Hào, tuyến Giá Rai – Gành Hào, Gành Hào – Hộ Phòng, Xóm Lung – Cái Cùng, Giồng Nhãn – Gành Hào, Cầu Sập – Đê Biển Đông, Cầu Bạc Liêu 4 và đường nối ra đê biển; nâng cấp, mở rộng đường Cao Văn Lầu, Bạch Đằng… Trên cơ sở này, Bạc Liêu quy hoạch đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp với quy mô 15.000 ha vào năm 2015, nhằm chủ động thâm canh, nâng cao hiệu quả, tạo ra sản phẩm tôm đảm bảo chất lượng, tăng tính cạnh tranh; xây dựng và nhân rộng mô hình nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng rừng (tôm – rừng) và phát triển du lịch nhằm tạo ra sản phẩm tôm sạch, góp phần chống biến đổi khí hậu “nước biển dâng”, tạo cuộc sống cho người dân ven biển theo hướng bền vững.

Mặt khác, tỉnh cũng phát triển mạnh diện tích nuôi các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao trên cơ sở tận dụng tối đa diện tích mặt nước, bãi bồi, sông rạch, với quy hoạch hợp lý nhằm tạo ra sản lượng ngày càng tăng và đảm bảo môi trường. Triển khai các vùng nuôi tôm càng xanh, vùng nuôi cua, cá kèo, Artemia chuyên canh. Phát triển mạnh nghề khai thác đánh bắt xa bờ và dịch vụ phục vụ kinh doanh kinh tế biển theo hướng hiện đại. Bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển, rừng kinh tế và rừng đan xen trên diện tích nuôi tôm quảng canh vùng Nam quốc lộ 1A…

Với tiềm năng kinh tế biển và ven biển, cùng với sự năng động, sáng tạo, ý chí quyết tâm của toàn Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu, trong thời gian không xa, ngành kinh tế biển tỉnh này sẽ thật sự phát triển, vươn ra biển lớn, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo bước đột phá đi lên của tỉnh nghèo cực Nam ở vùng Bán đảo Cà Mau này.

HS