Đến tham dự hội nghị có mặt đông đủ đại diện của các ban ngành có liên quan: Trung tâm Khuyến Nông Đăk Lăk; Chi cục Phát triển nông thôn; trạm khuyến nông các huyện và thành phố tham gia chương trình: TP Buôn Ma Thuột, CưMgar, Cưkuin cùng các công ty Công Ty Nestle Việt Nam; Công ty Syngenta và các hộ nông dân trưởng nhóm.

 

Chương trình Hợp tác công tư phát triển cà phê bền vững được triển khai từ tháng 01 năm 2012 để đạt được mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất cà phê và thu nhập bền vững cho nông dân, tiến tới phát triển cà phê bền vững của các đối tác tham gia chương trình. Chương trình đã hỗ trợ về kỹ thuật, vật tư, tiêu thụ sản phẩm và một số hỗ trợ khác để xây dựng vườn mẫu, nâng cao năng lực của khuyến nông viên, hộ nông dân được chọn.

 

Trong năm 2013, sau hơn một năm thực hiện, chương trình đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, thành lập được 15 nhóm các hộ tham gia, trong đó có một số hộ được đánh giá đạt kết quả cao và được chọn làm hộ điểm để xây dựng tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững. Ngoài ra, chương trình còn thu hút được hơn 600 nông hộ tham gia tại 3 địa phương huyện CưM’gar, Tp Buôn Ma thuột, Cư Kuin. Trong quá trình tham gia, các nhóm được chọn đã được tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực về kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê, cách ghi nhật ký nông hộ, chế biến bảo quản cà phê sau thu hoạch, các kỹ năng cần thiết của một trưởng nhóm. Kết quả sau hơn 01 năm hoạt động, các nhóm trưởng đã trưởng thành rất nhiều, mạnh dạn, tự tin khi truyền đạt kiến thức hay chia sẻ kinh nghiệm.

 

Năm 2013 là năm thời tiết không thuận lợi cho cây trồng nhưng kết quả chương trình cho thấy: năng suất trên các vườn mẫu đều tăng so với vườn đối chứng, tỷ lệ khô tươi trên nhân các vườn mẫu đều thấp hơn vườn đối chứng, các vườn mẫu đều sinh trưởng phát triển tốt.

 

Tuy nhiên trong những năm tiếp theo, để chương trình hoạt động có hiêu quả hơn nữa, các nhóm trưởng cần quan tâm trong việc tổng hợp báo cáo kế hoạch và đặc biệt là ghi nhật ký nông hộ đầy đủ, đúng theo hướng dẫn để thuận lợi hơn trong việc tính toán hiệu quả kinh tế và theo dõi tốc độ sinh trưởng vườn cây.

 

Kết luận tại hội nghị tổng kết, đồng chí Nguyễn Nhất Lệ - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông đề nghị Ban điều phối chương trình nên có kế hoạch định hướng phát triển những hoạt động cụ thể mang tính chiến lược cho từng địa phương ít nhất là 3 năm. Bên cạnh đó cần thông tin kịp thời các phát sinh nhất là các về phía người nông dân. Đặc biệt là nhóm kỹ thuật của chương trình nên thường xuyên phối hợp với điều phối viên ở địa phương chặt chẽ hơn nữa để xử lý kịp thời các phát sinh về sâu bệnh.

 

Để chương trình được phát triển bền vững trong những năm tiếp theo, các tổ chức, cơ quan phối hợp tham gia trong chương trình cần tiếp tục hỗ trợ về vật tư, kỹ thuật, tài chính để xây dựng thêm các vườn mẫu ở một số địa phương chủ lực về cây cà phê.

 

Hoàng Liên - TTKN Đăk Lăk