Đoàn tham quan học tập đã đến thăm và làm việc với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La và tỉnh Hòa Bình. Tại các buổi làm việc đại diện lãnh đạo các đơn vị đã báo cáo sơ lược về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm cụ vủa đơn vị mình cũng như thực trạng về sản xuất nông nghiệp và hoạt động khuyến nông trên địa bàn của các tỉnh thời gian qua. Các địa phương cùng nhau trao đổi, chia sẻ về phương pháp triển khai thành công các mô hình liên kết hình thành chuỗi sản xuất rau hữu cơ, mô hình kinh tế tuần hoàn khép kín, các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp,… Bên cạnh đó, đoàn cũng được nghe các cán bộ khuyến nông của 2 tỉnh Sơn La và Hòa Bình chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cho các cán bộ kỹ thuật, nông dân; Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chăn nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau, dược liệu; đẩy mạnh công tác giống, thúc đẩy sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng, khả năng thích ứng cao giúp giải quyết các khó khăn, thách thức trong phát triển nông nghiệp tại địa phương. Với những điều kiện tương đồng có thể sản xuất một số dược liệu quý có tính hàng hóa cũng như chăn nuôi bò giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh và bảo vệ môi trường.
Đoàn tham quan được cán bộ khuyến nông của tỉnh Sơn La và tỉnh Hòa Bình hướng dẫn tham quan học hỏi kinh nghiệm các mô hình như: mô hình nuôi bò 3B vỗ béo tuần hoàn tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La; mô hình nuôi trùn quế khép kín tại xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La; mô hình nuôi bò sữa tuần hoàn khép kín tại Trang trại Bò sữa Uẩn Thương thị xã Mộc Châu, tỉnh Sơn La; mô hình trồng rau hữu cơ tại HTX V.Organic tại xã Quyết Chiến, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình; mô hình trồng cây dược liệu tại Công ty Cổ phần BioPham Hòa Bình – TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình và mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn kết hợp du lịch sinh thái - tại xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.
Đây là những mô hình điển hình tiên tiến tại hai tỉnh được triển khai tổ chức cũng như xây dựng bài bản, mang lại hiệu quả cao và có nhiều đóng góp tích cực cho địa phương. Không chỉ vậy các mô hình đã hỗ trợ cho người dân tại địa phương, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc tại chỗ như Thái và Mường phát triển kinh tế của gia đình, nâng cao đời sống và mang lại thu nhập cao. Thông qua các mô hình đoàn tham quan học tập tỉnh Đắk Nông đã được tiếp cận, học hỏi cách làm hay của các mô hình có điều kiện tương đồng, từ đó nâng cao năng lực và kỹ năng trong việc triển khai các mô hình khuyến nông. Những bài học kinh nghiệm từ chuyến khảo sát học tập sẽ giúp thành viên trong đoàn mạnh dạn phổ biến và áp dụng vào hoạt động sản xuất thực tế tại từng địa phương, từ đó nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích đất canh tác và thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án triển khai,...
Trong quá trình tham quan học tập tại các tỉnh các thành viên của đoàn đã tích cực nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ và học hỏi từ cán bộ khuyến nông tại địa phương, các chủ mô hình từ đó đã tiếp thu nhiều cách làm hay, kinh nghiệm hữu ích, kiến thức thực tế trong sản xuất nông nghiệp để có thể áp dụng vào địa phương mình những mô hình phù hợp mang lại hiệu quả cao.
Thông qua chuyến tham quan học tập cho thấy vai trò “cầu nối” của khuyến nông trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là tất yếu và người nông dân là “chủ chốt” để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao cũng như trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và an toàn cho cộng đồng là điều bắt buộc.
    |
 |
Đoàn đến thăm mô hình trồng cây dược liệu tại Công ty Cổ phần BioPham Hòa Bình |
Nguyễn Thị Thắm
Trung tâm KN và giống nông lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông