Đoàn tham quan gồm 32 người là cán bộ khuyến nông, cán bộ kỹ thuật, cộng tác viên khuyến nông, khuyến nông cộng đồng và nông dân các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng và Đắk Lắk.

Trong chuyến công tác, đoàn đã trực tiếp làm việc với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Cần Thơ, Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Quản lý khai thác công trình thủy lợi và Nước sạch nông thôn tinh Đồng Tháp, gặp gỡ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về bộ máy tổ chức khuyến nông, các hoạt động của Tổ khuyến nông cộng đồng, phương pháp hoạt động khuyến nông, cách thức xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện một số mô hình khuyến nông điển hình của từng tỉnh bạn; các mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả và có khả năng nhận rộng cho địa phương,... Đoàn cũng đã được các đơn vị hướng dẫn tham quan một số mô hình sản xuất có hiệu quả tại các địa phương.

leftcenterrightdel
 Đoàn làm việc tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Cần Thơ

Tại thành phố Cần Thơ, đoàn đã tổ chức tham quan, học tập mô hình sản xuất lúa an toàn. Mô hình áp dụng những kỹ thuật canh tác sản xuất lúa an toàn như làm đất kỹ, sử dụng giống lúa chất lượng, sạ thưa, cấy dặm sớm, bón phân hữu cơ, bón lót và cân đối lượng đạm lân và kali suốt vụ,… tạo tiền đề cho cây lúa khỏe ngay từ đầu vụ tạo khả năng thích ứng, chống chịu tốt với sâu bệnh hại của cây lúa. Ngoài ra, việc thăm đồng thường xuyên, điều tra phân tích hệ sinh thái ruộng lúa đã giúp bà con giảm số lần phun thuốc định kỳ, chỉ sử dụng thuốc BVTV khi thật cần thiết. Việc này giúp tiết kiệm chi phí ngay từ đầu vụ, từ chi phí lao động như công bón phân và phun thuốc cho đến chi phí vật tư phục vụ cho sản xuất ruộng lúa của bà con. Mô hình “Sản xuất lúa an toàn” mang lại hiệu quả về mặt kỹ thuật cũng như chi phí đầu tư, giúp giảm được lượng giống gieo sạ; Giảm được chi phí sử dụng thuốc BVTV,... Việc này góp phần trực tiếp giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí do hoạt động trồng lúa gây ra, cũng như góp phần bảo vệ môi trường vùng nông thôn và sức khoẻ cộng đồng. Mô hình sản xuất lúa an toàn giúp bà con thay đổi dần thói quen sạ dầy, giảm lượng phân bón và thuốc BVTV cũng như hạn chế số lần phun thuốc giúp từ đó giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, lợi nhuận tăng. Đây là mô hình phù hợp với một số điều kiện sản xuất tại tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, giúp các đại biểu tham gia có thể học tập và áp dụng tại địa phương.

Tại tỉnh An Giang, đoàn đã được tham quan, học tập mô hình nuôi lươn không bùn mật độ cao. Mô hình đã hạn chế sử dụng thuốc hóa chất trong nuôi lươn, cung cấp sản phẩm lươn thương phẩm ít tồn dư hóa chất trong thịt lươn ra thị trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Mô hình nuôi lươn không bùn có khả năng ứng dụng để sản xuất tại các tỉnh Tây Nguyên nhằm tận dụng các diện tích nhỏ tại gia đình, giúp người dân có thêm cơ cấu vật nuôi.

leftcenterrightdel
Đoàn đã được tham quan, học tập mô hình nuôi lươn không bùn mật độ cao tại An Giang

Tại tỉnh Đồng Tháp, Đoàn đã được thăm các mô hình Làng thông minh từ hội quán nông dân, Tổ Khuyến cộng đồng; Mô hình kinh tế tuần hoàn nuôi ruồi lính đen xử lý phụ phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ, chiết xuất chế phẩm sinh học; Mô hình Tổ Khuyến cộng đồng, là những mô hình có giá trị kinh tế cao, cách làm mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường.

Thông qua việc tham quan, học tập các mô hình đã giúp các cán bộ khuyến nông, cán bộ kỹ thuật, thành viên tổ khuyến nông cộng đồng, nông dân được tiếp cận, học hỏi cách làm hay từ những mô hình có điều kiện canh tác sản xuất gần giống với địa phương mình, đặc biệt là việc ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, từ đó nâng cao năng lực và kỹ năng trong việc triển khai các mô hình khuyến nông. Từ đó nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất, mang lại hiệu quả cao trong tiến trình phát triển ngành nông nghiệp vùng, từng bước phát triển kinh tế gắn liền với an sinh xã hội và bảo vệ môi trường góp phần thành công vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp./.

Thanh Phương

Trung tâm KN và Giống NLN Đắk Nông