Tọa đàm có sự tham gia của gần 100 đại biểu đến từ các phòng, đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Nai, Phòng Nông nghiệp/Phòng Kinh tế, Hội Nông dân, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp các huyện Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, thành phố Biên Hòa, nông dân tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và các cơ quan thông tấn báo chí địa phương.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh tọa đàm 

 

Đồng Nai có diện tích đất nông nghiệp khá lớn với gần 464 nghìn ha, trong đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 244 nghìn ha, đất lâm nghiệp 180 nghìn ha, đất nuôi trồng thủy sản gần 8 nghìn ha. Kinh tế tuần hoàn là một trong những nội dung được quan tâm nhất của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai hiện nay và đây là xu hướng chung để ngành chăn nuôi phát triển bền vững thời gian tới, nhất là trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nguồn tài nguyên dần hạn hẹp và nguy cơ ô nhiễm môi trường chăn nuôi vẫn hiện hữu.

 

Trong giai đoạn tới, tỉnh Đồng Nai chủ động định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.

 

Chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh  Đồng Nai, giúp đảm bảo an ninh lương thực và thu nhập cho hàng triệu người dân. Chuyển đổi số dần trở thành một động lực chuyển đổi chính trong ngành chăn nuôi, giúp tái định hình các mô hình chăn nuôi truyền thống và tạo ra những cơ hội tăng trưởng theo hướng bền vững. Việc ứng dụng công nghệ số vào chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã được áp dụng khá lâu như cảm biến nhiệt độ, ẩm độ chuồng nuôi; theo dõi năng suất con giống qua các phần mềm, sử dụng các phần mềm trong quản lý... Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, giá thành sản xuất sản phẩm chăn nuôi ngày càng cao... nên trong những năm gần đây, người dân mới quan tâm, đầu tư ứng dụng công nghệ số nhiều hơn trong quá trình chăn nuôi; đồng thời trong công tác quản lý nhà nước cũng tăng cường ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ.

 

Trong khuôn khổ của Tọa đàm, các đại biểu tham dự đã được trao đổi, thảo luận một cách sôi nổi với các chuyên gia, tư vấn. Qua đó có cách nhìn toàn diện hơn về tình hình phát triển nông nghiệp tuần hoàn và ứng dụng công nghệ số trong chăn nuôi của tỉnh nhà.

 

Sau quá trình trao đổi, thảo luận sôi nổi, nhiệt tình, tọa đàm đã thống nhất, đưa ra những giải pháp thiết thực thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp và ứng dụng công nghệ số trong chăn nuôi cho tỉnh Đồng Nai.

 

Đó là: Nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và nông dân về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; Nâng cao năng lực, đầu tư nghiên cứu, triển khai công nghệ tái chế, tái sử dụng phụ, phế phẩm nông nghiệp; Tạo động lực để các địa phương, doanh nghiệp, người dân đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn thông qua hỗ trợ về vốn, công nghệ, thị trường; Thúc đẩy hợp tác, liên kết giữa các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội trong việc phát triển nông nghiệp tuần hoàn; Tạo môi trường kinh doanh thông qua cơ chế, chính sách phát triển tái sử dụng, tái chế chất thải; Xây dựng hành lang pháp lý và tiêu chuẩn hóa kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; Xây dựng lộ trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn; Xây dựng cơ sở dữ liệu về nông nghiệp tuần hoàn gắn với chuyển đổi số, kinh tế chia sẻ và cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Tăng cường trao đổi kinh nghiệm quốc tế về kinh tế tuần hoàn; Phát triển nguồn nhân lực đóng vai trò nền tảng cho sự thành công của quá trình chuyển đổi sang chăn nuôi tuần hoàn, ứng dụng khoa học công nghệ cao, công nghệ số vào chăn nuôi, các chương trình giáo dục và đào tạo có thể trao quyền cho người chăn nuôi bằng kiến thức và kỹ năng cần thiết để thực hiện các quy trình tuần hoàn, ứng dụng công nghệ số một cách hiệu quả.

Bích Ngọc

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Đồng Nai