Nhằm tìm giải pháp giúp bà con nâng cao công tác quản lý, chăm sóc cây quýt đặc sản của địa phương, đồng thời để các ngành, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cùng chung tay bàn giải pháp, tháo gỡ khó khăn tồn tại, tiến tới phát triển vùng trồng quýt bền vững, ngày 30/10/2024 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Lào Cai, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây ăn quả có múi (Viện Khoa học Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc), UBND huyện Mường Khương tổ chức tọa đàm "Giải pháp nâng cao công tác quản lý, chăm sóc quýt huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai".
Tọa đàm là dịp để người trồng quýt được trực tiếp trao đổi thảo luận cùng với các cơ quan nhà nước, nhà khoa học, chính quyền địa phương về cơ chế chính sách, giống, kỹ thuật sản xuất có kiểm soát, bảo vệ môi trường, việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm hiện nay; giúp nông dân thay đổi từ tập quán trồng quýt truyền thống chuyển sang sản xuất hàng hóa tập trung, theo quy trình VietGAP, hữu cơ...; nâng cao sự hiểu biết, kinh nghiệm trong việc kết nối, liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Tô Việt Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương thông tin: Quýt Mường Khương là cây trồng đặc sản của huyện Mường Khương được trồng tập trung tại các xã, thị trấn Mường Khương, Tung Chung Phố, Tả Ngài Chồ, Pha Long, Nậm Chảy, Nấm Lư, Lùng Khấu Nhin với diện tích 815ha (diện tích cho thu hoạch 656 ha, sản lượng trên 6.500 tấn/năm).
Quýt Mường Khương có ưu điểm chất lượng ngon, ngọt, hương vị đậm đà, được người tiêu dùng ưa chuộng. Thời vụ thu hoạch kéo dài 08 tháng (từ tháng 8 đến tháng hết tháng 2 năm sau), thời gian thu hoạch tập trung từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm.
|
|
Quýt Mường Khương có ưu điểm chất lượng ngon, ngọt, hương vị đậm đà |
Theo lãnh đạo UBND huyện Mường Khương, quýt Mường Khương là cây trồng cho giá trị kinh tế cao, 1 ha quýt cho giá trị từ 200 - 300 triệu đồng, cây quýt đã giúp cho nhiều hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Đặc biệt có nhiều hộ gia đình cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm từ cây quýt.
Hàng năm, UBND huyện Mường Khương đều phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam giới thiệu, quảng bá sản phẩm quýt đến người tiêu dùng trên cả nước vào thời điểm chuẩn bị thu hoạch quýt. Đặc biệt, việc giới thiệu quảng bá được Đài truyền hình Việt Nam phát vào khung giờ vàng nên được nhiều người quan tâm, qua đó thương hiệu “Quýt Mường Khương" được nhiều người biết đến và tin dùng.
|
|
Sử dụng nhiều giải pháp truyền thông, thương hiệu “Quýt Mường Khương" được nhiều người biết đến và tin dùng |
Ngoài ra, huyện Mường Khương còn phối hợp với Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh Lào Cai tổ chức các sự kiện: Tuần lễ quýt Mường Khương tại Hà Nội; phiên chợ nông sản vùng cao tại trung tâm huyện nhằm quảng bá, giới thiệu, hỗ trợ người dân tìm kiếm khách hàng, đối tác, hợp tác liên kết tiêu thụ nông sản nói chung, quýt Mường Khương nói riêng. Nhờ làm tốt công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm nên việc tiêu thụ quýt Mường Khương của nhân dân thời gian qua rất thuận lợi.
Chia sẻ về những khó khăn trong phát triển sản xuất quýt tại huyện Mường Khương, ông Tô Việt Thành cho rằng, quýt là cây trồng khó tính, đòi hỏi kỹ thuật và thâm canh cao nhưng phần lớn người trồng quýt hiện nay sản xuất quýt dựa vào kinh nghiệm, chưa nằm được kỹ thuật nên năng suất, chất lượng còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
|
|
Phần lớn người trồng quýt hiện nay sản xuất quýt dựa vào kinh nghiệm, chưa nằm được kỹ thuật |
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung như đánh giá hiệu quả kinh tế của cây quýt; những khó khăn, vướng mắc của bà con trong quá trình chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm; nhu cầu các hộ dân trong việc tiếp cận và sử dụng phân bón, vật tư chăm sóc vườn quýt để khắc phục tình trạng sâu bệnh, nâng cao năng suất; việc quản lý, sử dụng thương hiệu sản phẩm, bao bì đóng gói và tiêu thụ sản phẩm “Quýt Mường Khương”; giải pháp phát triển vùng quýt bền vững...
Ông Hà Quang Thưởng – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây ăn quả có múi (Viện Khoa học Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc) đã trực tiếp trả lời các vấn đề liên quan đến kĩ thuật trồng, chăm sóc, cắt tỉa, sử dụng phân bón, biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây quýt.
Qua các ý kiến phát biểu của hộ trồng quýt, ý kiến giải đáp, trao đổi của các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, một số giải pháp đã được đưa ra nhằm phát triển vùng quýt Mường Khương hiệu quả, bền vững:
- Các cơ quan chuyên môn cần tăng cường công tác đào tạo tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân trồng quýt trên địa bàn huyện;
- Chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác quản lý giám sát các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn và sử dụng nhãn hiệu “Quýt Mường Khương” để bảo vệ và nâng cao thương hiệu Quýt Mường Khương;
- Các hộ trồng quýt có sự quan tâm trong tìm hiểu, học tập và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư chăm sóc vườn quýt để cây sinh sinh trưởng, phát triển bền vững; chủ động tiếp cận thị trường;
- Liên kết giữa hộ nông dân thông qua chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp; liên kết giữa nông dân với HTX, doanh nghiệp, cá nhân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm quýt Mường Khương đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
|
|
Các hộ trồng quýt cần đầu tư tìm hiểu, học tập và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư chăm sóc vườn quýt để cây sinh sinh trưởng, phát triển bền vững |
Ánh Nguyệt
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia