Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ đạo qua ghi hình phát trực tiếp tại Hội nghị

 

Báo cáo tổng kết những kết quả đã đạt được tại Hội nghị của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho thấy, năm 2022 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai 162 dự án khuyến nông Trung ương trên phạm vi cả nước, các dự án tập trung vào nội dung: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ; an toàn thực phẩm; Xây dựng vùng nguyên liệu; Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất; Xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất mới như: liên kết sản xuất giữa hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị để bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân. Xây dựng 443 mô hình với 618 điểm trình diễn, với hơn 12 nghìn lượt hộ tham gia; tổ chức 510 lớp tập huấn cho hơn 15 nghìn lượt người; tập huấn ngoài mô hình cho 420 lớp với gần 13 nghìn lượt người…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam, GĐ TTKNQG Lê Quốc Thanh thăm gian hành trưng bày sản phẩm nông nghiệp bên lề Hội nghị

 

Hiện nay, Trung tâm đang hướng dẫn các địa phương triển khai, thực hiện Đề án đổi mới công tác khuyến nông với những nhiệm vụ cụ thể gồm: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động thông tin truyền thông; Phát triển các định dạng ấn phẩm số, truyền thông số, các mạng xã hội; Xây dựng mô hình nông dân công nghệ số. Đồng thời, phong phú nội dung và đa dạng hình thức truyền thông, tăng cường truyền thông “tương tác” theo hướng "mở", trong đó lấy nông dân là trung tâm như: Truyền thông qua các sự kiện khuyến nông; Truyền thông qua các ấn phẩm kết hợp với truyền thông số; Đa dạng ngôn ngữ trong truyền thông; Xây dựng các chương trình mang dấu ấn của khuyến nông như đối thoại, cầu truyền hình…; Xây dựng các sàn giao dịch, hội chợ nông sản điện tử, chợ việc làm nông nghiệp…

Hoạt động thông tin truyền thông được triển khai theo thông điệp cụ thể, rõ ràng, theo định hướng, gắn với các chủ trương lớn của Bộ, ngành như: Sản xuất có trách nhiệm, an toàn thực phẩm, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế tuần hoàn, xây dựng nông thôn mới…

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia còn đổi mới hoạt động đào tạo, huấn luyện khuyến nông; đổi mới hoạt động xây dựng mô hình, dự án khuyến nông; đổi mới hoạt động tư vấn, dịch vụ khuyến nông; đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế và hợp tác công tư trong khuyến nông; chuyển đổi số trong hoạt động khuyến nông; củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức khuyến nông các cấp; bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về khuyến nông.

Đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang phát biểu tại hội nghị

 

Theo đó, hoạt động khuyến nông năm 2023 tập trung cho các nội dung, trọng tâm, ưu tiên, trọng điểm. Kết quả của dự án cần gắn với chất lượng sản phẩm như: Phát triển sản xuất vùng nguyên liệu các sản phẩm chủ lực; Sản phẩm có chất lượng cao, sản phẩm hữu cơ, truy xuất nguồn gốc; Đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu; Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp kinh tế đa giá trị, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường gắn với chuyển đổi số, kinh tế thị trường; Sản xuất giảm chi phí, thích ứng với biến đổi khí hậu; Sản phẩm gắn với du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường...

Đa dạng nội dung, hình thức để phục vụ, đa dạng đối tượng từ người sản xuất, cán bộ khuyến nông đến chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp… Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động thông tin truyền thông, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu của hệ thống khuyến nông, kết nối hệ thống khuyến nông từ trung ương đến địa phương, đến từng người dân. Tăng cường xã hội hóa hoạt động khuyến nông để phát huy sức mạnh tổng hợp, thu hút mọi nguồn lực, nhằm phát triển hoạt động truyền thông ngày càng hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đã có ý kiến chỉ đạo tại hội nghị thông qua ghi hình

 

Nhân Hội nghị Khuyến nông toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đã có ý kiến chỉ đạo thông qua ghi hình phát trực tiếp tại Hội nghị. Bộ trưởng đánh giá cao sự chuyển động tư duy, cách làm của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trong thời gian gần đây, đã hình thành được tư duy, có những đột phá trong chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bộ trưởng chỉ đạo phải hình thành được hệ sinh thái khuyến nông gắn kết, trong đó hạt nhân là Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hệ thống khuyến nông ở cơ sở gắn với khuyến nông doanh nghiệp. Như vậy, chúng ta hình thành được một chuỗi khuyến nông từ vấn đề kỹ thuật sang vấn đề kinh tế và tiếp cận vấn đề thị trường.

Với phương châm “Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”, người nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Mọi hoạt động khuyến nông cần phải hướng tới người nông dân, xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của nông dân và phù hợp với năng lực, điều kiện sản xuất của nông dân. Khuyến nông không chỉ dừng lại ở làm nông nghiệp, dạy nông dân mà phải hướng dẫn nông dân tổ chức lại sản xuất, vào kinh tế tập thể, tổ chức lại một ngành hàng. Khuyến nông phải nâng cao tri thức của người nông dân, cung cấp nhiều kiến thức, nhiều kỹ năng, nhiều thông tin cho người nông dân. Bộ trưởng tâm huyết, nếu không có khuyến nông thì chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn sẽ không đến được với người nông dân. Khuyến nông là người kết nối gắn kết giữa các cơ quan khác trong Bộ để đưa tất cả những vấn đề về tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại thị trường đến với người nông dân, hỗ trợ người nông dân những công nghệ, những kỹ thuật, những thông tin, những kiến thức.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam phát biểu kết luận hội nghị

 

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cáo ý nghĩa của Hội nghị Khuyến nông toàn quốc năm 2022. Thứ trưởng nhấn mạnh: Trong Nghị định mới quy định về bộ máy của ngành nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ là một đơn vị sự nghiệp phục vụ công tác quản lý nhà nước. Khi Nghị định mới được ban hành, Thứ trưởng định hướng công tác khuyến nông cần đẩy mạnh nhiệm vụ tư vấn, dịch vụ chuyển giao, dịch vụ giống; thực hiện các hoạt động về khởi nghiệp nông nghiệp, về dự án đầu tư, về huy động vốn, tuyển dụng đào tạo lao động, xúc tiến thương mại, thương hiệu, bảo hiểm sản xuất, kinh doanh nông nghiệp… Chính vì vậy, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và trung tâm khuyến nông các tỉnh cần có một số chương trình đào tạo để nâng cao trình độ cán bộ khuyến nông về những lĩnh vực mới này.

Thứ trưởng nhấn mạnh cần đặc biệt quan tâm đến hoạt động khuyến nông cơ sở. Trước mắt 5 nhiệm vụ của công tác khuyến nông cơ sở phải làm tốt, là: (1) Chuyển giao tri thức cho nông dân; (2) Tổ chức lại sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã; (3) Vấn đề thị trường; (4) Hướng dẫn người nông dân ứng dụng công nghệ số, làm sao phù hợp với điều kiện sản xuất của người dân; (5) Tham gia vào các nhiệm vụ chính trị xã hội ở địa phương.

Với thông điệp “Kết nối hệ thống - Đổi mới sáng tạo”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam hy vọng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tạo được vị thế trong năm 2022 đóng góp quan trọng vào thành công của ngành nông nghiệp và PTNT.

Thừa ủy quyền Bộ trưởng, Thứ trưởng Trần Thanh Nam trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khuyến nông
  

BBT

Tin bài về Hội nghị trên các báo:

Báo Nhân dân

Truyền hình Thông tấn

Truyền hình Nông nghiệp Việt Nam

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Báo Dân tộc và Phát triển