Khoai tây là cây trồng quan trọng ở Việt Nam, với diện tích canh tác lớn. Sản phẩm khoai tây chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng tươi. Tuy nhiên, sản lượng trong nước chỉ đáp ứng khoảng 35-40% nhu cầu của các nhà máy chế biến, dẫn đến việc phải nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác. Điều này cho thấy ngành hàng khoai tây còn nhiều dư địa để phát triển.

 

Tại các tỉnh phía Bắc, cây khoai tây có vị trí quan trọng với cơ cấu vụ đông và vụ xuân. Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, diện tích sản xuất cây vụ Đông hằng năm khoảng 400 nghìn ha, trong đó khoai tây dao động 15-18 nghìn ha, sản lượng 250-320 nghìn tấn. Tuy nhiên, với ưu đãi về điều kiện đất đai và thời tiết theo đánh giá tiền năng sản xuất khoai tây các tỉnh phía Bắc khoảng 150-200 nghìn ha/năm. Đây là điều kiện rất tốt cho chuỗi phát triển sản xuất khoai tây, đặc biệt là khoai tây dành cho chế biến.

leftcenterrightdel
Tại các tỉnh phía Bắc, cây khoai tây có vị trí quan trọng với cơ cấu vụ đông và vụ xuân 

Để phát triển nhanh và bền vững ngành hàng khoai tây, cần có sự liên kết chặt chẽ trong việc hình thành vùng nguyên liệu khoai tây gắn với chế biến, tiêu thụ. Mô hình sản xuất khoai tây theo chuỗi giá trị sẽ tạo ra một vòng tròn liên kết sản xuất khép kín. Ở đó, người nông dân có được nguồn giống đảm bảo, được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến để canh tác khoai tây hiệu quả, an toàn, chất lượng đi đôi với thích ứng biến đổi khí hậu và giảm phát thải, bảo vệ môi trường. Trong khi đó, doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu chất lượng, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Vì vậy, để thực hiện thành công mô hình này, cần có sự phối hợp giữa nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước.

 

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thành lập Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV), gồm 8 Nhóm công tác ngành hàng PPP (gạo; cà phê; chè; rau quả; thủy sản; hồ tiêu; hóa chất nông nghiệp và chăn nuôi) tập trung vào kết nối các tác nhân trong ngành nông nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, cùng hợp tác phát triển chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam. Nhóm công tác PPP rau quả do TTKNQG, PepsiCo & Syngenta đồng chủ trì dù mới bắt đầu hoạt động nhưng đã có nhiều nỗ lực đáng khích lệ, đặc biệt trong hợp tác phát triển chuỗi giá trị khoai tây.

leftcenterrightdel
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc TTKNQG phát biểu khai mạc hội thảo 

 

PepsiCo đã triển khai mô hình sản xuất khoai tây bền vững từ năm 2008 tại Lâm Đồng. Bắt đầu với 4 hộ nông dân và 27 ha, đến năm 2024, mô hình đã mở rộng đến hơn 1.500 hộ tham gia với tổng diện tích gần 1.700 ha, năng suất trung bình đạt 24.6 tấn/ha, cao hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực. Năm 2019, với vai trò là thành viên trong nhóm công tác PPP rau quả, PepsiCo đã hợp tác với TTKNQG và Syngenta để phát triển mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao tại Tây Nguyên. Mô hình này đã được nghiên cứu và đánh giá, chính thức nhân rộng ra các tỉnh phía Bắc từ vụ Đông Xuân 2024-2025. Các mô hình thí điểm tại Thanh Hóa và Hải Dương trong vụ Đông Xuân 2023-2024 đã đạt kết quả ấn tượng, với năng suất cao và tiết kiệm nước là cơ sở để các tỉnh mạnh dạn nhân rộng.

 

Từ thực tế sản xuất, các mô hình canh tác khoai tây của PepsiCo dẫn dắt cùng sự phối hợp của KNQG và các đối tác doanh nghiệp trong thời gian qua không chỉ nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn hướng tới phát triển nông nghiệp xanh và bền vững. Nông dân được tiếp cận kỹ thuật canh tác tiên tiến, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật an toàn, cũng như được hướng dẫn nâng cao năng lực quản lý tài chính và sản xuất. PepsiCo còn hỗ trợ ứng dụng số hóa trong nông nghiệp như sử dụng drone để thăm đồng và quản lý canh tác qua ứng dụng điện thoại, tạo điều kiện cho nông dân phát triển bền vững hơn trong tương lai.

leftcenterrightdel
Ứng dụng cơ giới hoá, số hóa giúp nâng cao hiệu quả sản xuất

 

Thông qua hội thảo sẽ giúp các địa phương miền Bắc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến và các giải pháp nông học mới vào sản xuất nhằm giúp nông dân có được những vụ khoai tây bội thu, tiết kiệm chi phí và công sức trong quá trình canh tác. Đồng thời, trong xu hướng sản xuất nông nghiệp xanh, sạch như hiện nay, những mô hình này sẽ giúp giảm phát thải, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần hiện thực hóa kế hoạch phát triển ngành hàng khoai tây bền vững, đồng thời chung tay xây dựng tương lai xanh của ngành nông nghiệp Việt Nam.

leftcenterrightdel
Ông Hoàng Tuyển Phương - Trưởng phòng KN Trồng trọt và Lâm nghiệp trình bày báo cáo tại hội thảo 

Bảo Toàn

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia