Ngày 21/8/2024 tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ SOFIX trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ tỉnh Đồng Nai. Chủ trì hội thảo là ông Võ Văn Phi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai. Nhận lời mời đến tỉnh Đồng Nai tham dự hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ và khảo sát về tính khả thi của công nghệ SOFIX có GS Kubo Motoki, Đại học Ritsumeikan, Nhật Bản. Hội thảo có sự tham dự của hơn 130 đại biểu.

Tại hội thảo, GS Kubo Motoki đã chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ SOFIX trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ; cung cấp thông tin khái quát về xu thế phát triển nông nghiệp trên thế giới; vai trò quan trọng của đất, hệ thống vi sinh vật trong sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp hữu cơ; giải pháp để Nhật Bản chuyển đổi sang nền nông nghiệp hữu cơ; trao đổi về công nghệ, khả năng ứng dụng công nghệ SOFIX trên các loại nông sản chủ lực của tỉnh Đồng Nai.

leftcenterrightdel

GS Kubo Motoki chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ SOFIX trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại hội thảo 

Theo đó, SOFIX là từ viết tắt của cụm từ “Soil Fertility Index” nghĩa là “Chỉ tiêu của độ phì nhiêu đất”. SOFIX là công nghệ đánh giá đất dựa trên vi sinh đầu tiên trên thế giới, giúp thực hiện chẩn đoán tính chất vi sinh trên cơ sở khoa học kết hợp với tính chất hóa, lý của đất với 19 chỉ tiêu. Đây là công nghệ mang tính đột phá trong khảo sát đặc tính của đất để đề xuất phân bón nhằm nâng cao độ phì nhiêu đất cũng như nâng cao năng suất cây trồng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ. SOFIX ngoài cải tạo độ phì nhiêu của đất, giúp hệ vi sinh vật hoạt động và phát triển tốt thì còn giúp cây trồng đạt năng suất và chất lượng cao hơn, an toàn sản phẩm, người sản xuất và môi trường. Công nghệ này đã được triển khai hiệu quả ở Nhật Bản, áp dụng trên nhiều loại cây trồng. Việc canh tác hữu cơ SOFIX cho năng suất tương đương hoặc cao hơn canh tác hóa học; giảm chi phí sản xuất bằng việc giảm lượng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học; đồng thời, chất lượng nông sản cũng tăng lên.

Trước ngày hội thảo, UBND tỉnh cũng đã tổ chức đoàn đi khảo sát và lấy mẫu đất, nước phân tích phù hợp với sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo công nghệ SOFIX thử nghiệm trên cây sầu riêng và cây bưởi.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó chủ tịch tỉnh Võ Văn Phi cảm ơn đoàn chuyên gia Nhật Bản đã trao đổi và chia sẻ về kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ cùng các ý kiến thảo luận của đại biểu tại hội thảo, qua đó nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về ngành nông nghiệp hữu cơ; giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân có thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm quý giá trong việc nghiên cứu và phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Các đại biểu cũng đồng thuận với báo cáo và chia sẻ kinh nghiệm của GS Kubo Motoki về ứng dụng công nghệ SOFIX trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm nâng cao nhất lượng sản phẩm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Ứng dụng công nghệ SOFIX để sản xuất nông nghiệp hữu cơ là nhiệm vụ tất yếu. Vì vậy, việc khảo sát để đánh giá chất lượng đất vùng sản xuất cần được mở rộng hơn ở nhóm cây chủ lực và cây có thế mạnh xuất khẩu; giúp cho nông dân có thể tự đánh giá được sức khỏe của đất, để từ đó bổ sung dinh dưỡng vào đất kịp thời và hiệu quả nhằm giảm chi phí sản xuất và tốt cho cây trồng; giúp nông nghiệp Đồng Nai phát triển hiệu quả, bền vững.

Phó Chủ tịch tỉnh cũng đã chỉ đạo khâu tổ chức thực hiện và giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành và địa phương căn cứ nhiệm vụ, chức năng để triển khai ứng dụng công nghệ SOFIX và phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong tỉnh. Công tác tuyên truyền định hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bền vững đạt mục tiêu đề ra; các chính sách hỗ trợ HTX, THT, nông dân để xây dựng và nhân rộng mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chế biến sâu. Ngoài cây sầu riêng và bưởi thì nên lựa chọn thêm các cây trồng có ưu thế xuất khẩu, cây trồng cấp mã số vùng trồng để ưu tiên nghiên cứu ứng dụng công nghệ SOFIX. Đề nghị các trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức Nhật Bản tiếp tục gắn bó với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai nghiên cứu phương pháp khảo sát đất trồng và áp dụng công nghệ SOFIX có hiệu quả; đánh giá tình trạng đất trồng, sản phẩm nông sản trước và sau khi áp dụng công nghệ cũng như đánh giá kết quả đạt được việc ứng dụng công nghệ SOFIX trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Đồng Nai.

Lê Thị Hồng

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai