Tại báo cáo đề dẫn về liên kết sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và ứng dụng đồng bộ cơ giới hoá trong sản xuất lúa, đồng chí Bùi Hữu Ngọc - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình đã khẳng định, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất lúa gạo đồng bộ là hết sức cần thiết nhằm phát huy tối đa lợi thế và tiết kiệm chi phí, nâng cao thu nhập cho nông dân. Việc liên kết đồng bộ từ khâu gieo mạ, làm đất, cấy, bón phân, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh và gặt, sấy, xay sát ra sản phẩm... sẽ tiết giảm tối đa các chi phí trung gian, tổ chức sản xuất hợp lý sẽ tận dụng được tối đa nguồn nhân lực và đặc biệt khi thực hiện liên kết theo chuỗi, các tổ chức nông dân từng bước được xây dựng theo hướng chuyên môn hóa (tổ hợp tác dịch vụ mạ khay, cấy máy; tổ hợp tác dịch vụ máy làm đất, máy cấy, máy bay phun thuốc, máy gặt, máy cuộn rơm, công ty thu mua sản phẩm lúa tươi, liên kết sấy máy và liên kết máy xay sát tạo sản phẩm gạo) ngay tại địa phương, vì vậy sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị trên đơn vị canh tác lúa.

Cũng tại Hội nghị các đại biểu đã được nghe những chia sẻ, tham luận của của ông Trịnh Quốc Quân - Giám đốc HTX Nam Thành, xã Yên Thành về tình hình ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất lúa tại địa phương. Vụ mùa năm 2022 tổng diện tích cấy máy bằng mạ khay của HTX chỉ từ 15 ha, nhưng đến vụ Xuân năm 2023 đã lên tới 60 ha. Tuy diện tích cấy máy chưa nhiều nhưng với những hiệu quả về kinh tế, môi trường của phương pháp này đem lại, chắc chắn trong thời gian tới diện tích mạ khay cấy máy của HTX nói riêng và của xã Yên Thành nói chung sẽ còn tăng mạnh hơn nữa, đặc biệt là có sự liên kết bao tiêu sản phẩm của các doanh nghiệp.

Trong chuỗi liên kết sản xuất vai trò của doanh nghiệp liên kết sản xuất hết sức quan trọng, là đơn vị định hướng kế hoạch sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật và có thể cung ứng các vật tư đầu vào trong sản xuất cho các hộ dân. Liên kết sản xuất có bền vững một phần lớn có sự đóng góp trách nhiệm của doanh nghiệp. Tại Hội nghị, ông Phùng Văn Quang – Giám đốc Công ty TNHH VTNN Hồng Quang, là đơn vị đứng ra bao tiêu sản phẩm lúa hữu cơ cho các HTX trong chuỗi liên kết đã chia sẻ mong muốn, hướng đi lâu dài trong chuỗi liên kết và trách nhiệm của các bên để cùng hướng tới một liên kết bền vững, hiệu quả cho cả đơn vị thu mua và các HTX tham gia sản xuất.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Đinh Văn Khiêm – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đánh giá cao sự vào cuộc của các đơn vị chuyên môn, xã Yên Thành nói riêng và huyện Yên Mô nói chung trong việc phát triển các chương trình liên kết sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, ứng dụng phương pháp mạ khay cấy máy trong sản xuất lúa để thay thế phương pháp gieo xạ, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững. Đồng thời yêu cầu UBND huyện, xã, các đơn vị chuyên môn tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách của tỉnh, huyện trong phát triển nông nghiệp tạo sinh kế  cho người dân và bảo vệ môi trường sinh thái.

Trong cùng ngày các đại biểu tham gia hội nghị đã được tham quan trình diễn mô hình mạ khay cấy máy và mô hình máy bay không người lái sử dụng bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật. Đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp là hướng đi của tỉnh Ninh Bình và huyện Yên Mô trong phát triển nông nghiệp trong thời gian qua và những năm tiếp theo.

leftcenterrightdel
Trình diễn mô hình mạ khay cấy máy tại HTX Nam Thành – Xã Yên Thành, huyện Yên Mô 

 

Nguyễn Thị Hồng

Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình