Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh vừa tổ chức Tổng kết công tác Khuyến nông giai đoạn 2023 – 2025, xây dựng chương trình khuyến nông giai đoạn 2026 – 2028 và định hướng những năm tiếp theo. Đồng chí Trần Hữu Khanh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, đồng chí Nguyễn Hữu Ngọc – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông đồng chủ trì tọa đàm.
Trong những năm qua, công tác khuyến nông Hà Tĩnh đã không ngừng đổi mới, bám sát yêu cầu thực tiễn của sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2023–2025, mặc dù gặp không ít khó khăn do biến đổi khí hậu, giá cả vật tư nông nghiệp biến động, thị trường tiêu thụ nông sản còn bấp bênh, song ngành khuyến nông tỉnh đã thể hiện vai trò là “cầu nối” đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình sản xuất tiên tiến đến với người nông dân, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong phát triển nông nghiệp.
Thực hiện Quyết định số 2186/QĐ-UBND ngày 24/10/2022 của UBND tỉnh về phê duyệt Chương trình Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2023-2025, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Nông nghiệp và Môi trường, các Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi các huyện, thành phố, thị xã, UBND các xã và bà con nông dân triển khai xây dựng và thực hiện 13 mô hình trình diễn, chuyển giao các tiến bộ khoa học mới về giống, quy trình kỹ thuật trong sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần làm thay đổi nhận thức của người nông dân và các tổ chức sản xuất; nhiều hộ nông dân đã áp dụng thành công các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế, thích ứng với các điều kiện sinh thái, góp phần bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu thị trường. Hoạt động khuyến nông đã góp phần chuyển dịch cơ cấu, tỷ trọng nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Điểm sáng của chương trình Khuyến nông giai đoạn 2023-2025 là các mô hình đều được triển khai theo hướng đa dạng trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp. Nhiều mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị đã chứng minh hiệu quả thực tiễn, tạo sản phẩm an toàn, sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, giúp nông dân nâng cao thu nhập từ 15-30% so với canh tác truyền thống, như: Mô hình sản xuất cam bưởi đạt tiêu chuẩn hữu cơ gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng tuần hoàn, mô hình Nuôi cá chim trắng vây vàng đạt tiêu chuẩn VietGAP, mô hình nuôi cua biển 2 giai đoạn thích ứng biến đổi khí hậu,...
Cùng với đó, công tác giống cũng được trung tâm chú trọng thực hiện với nhiều nội dung liên quan đến giống lúa, giống cây ăn quả, giống bò, giống thuỷ sản,...
Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”, trong giai đoạn 2022-2024 của Bộ NN&PTNT, Hà Tĩnh đã thành lập được 183 tổ khuyến nông cộng đồng (tại 180 xã, 2 thị trấn, 1 phường) với 2.377 thành viên tham gia. Đã chủ động chuyển đổi từ tư duy khuyến nông hỗ trợ, sang tư duy khuyến nông kết nối. Các Tổ khuyến nông cộng đồng được hình thành linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.
Công tác đào tạo tập huấn có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới. Công tác đào tạo, tập huấn có nhiều đổi mới, đa dạng hóa nội dung; đào tạo có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới, từng bước tạo tiền đề phát triển nền nông nghiệp số. Hằng năm, tổ chức từ 20 - 22 lớp với 700 - 900 học viên tham dự; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các viện (Viện Bắc Trung Bộ, Viện KHNN Việt Nam, Viện Bảo vệ thực vật…) tổ chức từ 3 - 5 lớp tập huấn.
Công tác thông tin tuyên truyền, thực hiện truyền thông có thông điệp, chủ đề cụ thể. Hàng năm, đã xây dựng và phát sóng 52 chuyên đề nông nghiệp nông thôn, 104 Bản tin dự báo nông vụ trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh. Nhiều tin, bài đăng tải trên các trang thông tin điện tử Khuyến nông, Nông thôn mới,… Quản trị trang thông tin điện tử Khuyến nông và nâng cấp trang Website Trungtamkhuyennonghatinh.com.vn ngày càng phong phú, đa dạng, đã trở thành địa chỉ truy cập thông tin tin cậy, bổ ích về hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp cho mọi người dân tiếp cận được thông tin về sản xuất một cách nhanh nhất.
Tại buổi tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu, cơ bản các đại biểu đã đồng tình cao với phần báo cáo kết quả thực hiện. Các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận, trình bày những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các mô hình khuyến nông như: Sản phẩm đầu ra từ mô hình còn khó khăn, tính nhân rộng một số mô hình còn chưa cao; sự phối hợp giữa các đơn vị đôi lúc chưa hiệu quả; đầu tư cho hoạt động khuyến nông chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, các đại biểu cũng đã mạnh dạn đề xuất các giải pháp và góp ý xây dựng chương trình mô hình khuyến nông giai đoạn tiếp theo nhằm hướng tới nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông cơ sở, các mô hình triển khai đạt hiệu quả cao và bền vững.
Phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm, đồng chí Trần Hữu Khanh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Tĩnh ghi nhận sự nỗ lực và đánh giá cao những kết quả đạt được mà Trung tâm Khuyến nông đã triển khai thực hiện trong thời gian qua. Đồng chí Phó Giám đốc Sở khẳng định, trong bối cảnh Ngành Nông nghiệp Hà Tĩnh đang được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện theo hướng tái cơ cấu sâu rộng, gắn với chuyển đổi số và phát triển bền vững, công tác khuyến nông tiếp tục giữ vai trò then chốt trong việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao, mô hình quản lý mới vào sản xuất, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống người dân trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, sự phát triển của khoa học, công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là sự ra đời của Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia,… đòi hỏi Ngành Nông nghiệp và Môi trường nói chung, lĩnh vực Khuyến nông nói riêng phải có những đổi mới cả về tổ chức và hoạt động, có phương pháp tiếp cận phù hợp để nắm bắt, tiếp nhận và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất trong tình hình mới.
    |
 |
Đồng chí Trần Hữu Khanh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Tĩnh phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm
|
Vì vậy, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh tiếp tục đổi mới, xây dựng hệ thống khuyến nông ngày càng năng động, đủ năng lực để làm tốt vai trò tham mưu, tư vấn, hỗ trợ phục vụ sản xuất và phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chuyển giao nhanh các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và liên kết dịch vụ nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nhằm tạo ra sự đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống cho nông dân.
Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị nguồn lực nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, ưu tiên các hoạt động xây dựng mô hình trình diễn, thông tin truyền thông, đào tạo, tập huấn, nhằm tạo ra các vùng sản xuất tập trung, hàng hóa theo chuỗi giá trị gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần hoàn thành Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Tham mưu UBND tỉnh Hà Tĩnh xây dựng, ban hành quy chế chung trong công tác vận hành, hướng đến sự đồng nhất cách làm, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng; tăng cường liên kết với doanh nghiệp, HTX về thị trường tiêu thụ sản phẩm; tập trung kiện toàn bộ máy, hướng tới xây dựng bộ máy chuyên sâu, nhiệt huyết để tham gia vào hoạt động khuyến nông, phát huy đúng tinh thần "Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông".
Nguyễn Hoàn
Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh