Giám đốc Ban quản lý cảng cá Quảng Trị Lê Văn Sơn cho biết, hiện tại tuy mới bắt đầu vụ cá Nam nhưng bình quân mỗi ngày cảng cá Cửa Việt tiếp nhận từ 10 – 15 tàu cá cập cảng bốc dỡ hải sản; bốc xếp đá lạnh, nhiên liệu, ngư lưới cụ để vươn khơi. Nhiều tàu cá sau thời gian đánh bắt đã khai thác được nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao như: cá thu, cá ngừ, cá nục, cá cơm, mực lá… mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi chuyến biển. Để hỗ trợ ngư dân, cảng cá đã duy trì lực lượng túc trực 24/24 giờ để sắp xếp, hướng dẫn tàu thuyền ra vào cảng và bố trí địa điểm cho các phương tiện vận chuyển để bốc dỡ hải sản thuận lợi. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho ngư dân trong việc chấp hành các quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và Luật Thủy sản năm 2017.
Vừa cập bờ sau chuyến biển dài ngày, ngư dân Trần Hồng Lĩnh ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, chủ tàu cá số hiệu QT 95767TS đã tất bật chỉ đạo bạn thuyền bốc dỡ các loại thủy sản đánh bắt được để bán cho thương lái. Đồng thời liên tục điện thoại cho các đại lý đặt thêm đá lạnh, tiếp nhiên liệu để sẵn sàng cho chuyến ra khơi tiếp theo. Theo anh Lĩnh, để chuẩn bị cho vụ cá Nam, anh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để tu sửa lại máy móc, ngư lưới cụ để đánh bắt hiệu quả hơn.
“Hiện tại thời tiết đang thuận lợi nên tôi và các bạn thuyền quyết định chỉ lên bờ nghỉ ngơi một đêm rồi tiếp tục vươn khơi. Nghề biển chỉ có mấy tháng nắng trong vụ cá Nam là thuận lợi nên phải tranh thủ ra khơi để mùa mưa bão nghỉ ngơi, sửa chữa tàu thuyền”, anh Lĩnh nói.
Cách đó không xa, đang cùng các bạn thuyền hối hả vận chuyển đá lạnh, lương thực thực phẩm lên tàu để chuẩn bị cho chuyến biển dài ngày tại ngư trường Hoàng Sa, ông Nguyễn Văn Tuấn ở thị trấn Cửa Việt, thuyền trưởng tàu vỏ thép số hiệu QT 96969TS cho biết, để chuẩn bị cho vụ cá Nam năm nay, ông đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ ngư lưới cụ, các trang thiết bị hiện đại như máy định vị, máy dò cá… Hiện tại thời tiết đang ủng hộ, các luồng cá nổi xuất hiện nhiều nên tàu cá của ông cũng như các tàu cá khác của ngư dân tại địa phương đang tập trung vươn khơi bám biển đánh bắt.
    |
 |
Tàu cá của ngư dân thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh vươn khơi đánh bắt vụ cá Nam |
Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Phan Văn Hòa thông tin, toàn huyện hiện có trên 860 tàu cá các loại, trong đó có 164 tàu cá có chiều dài trên 15 m với hơn 1.550 lao động thường xuyên tham gia đánh bắt xa bờ. Năm 2024, sản lượng thủy sản đánh bắt toàn huyện đạt hơn 16.000 tấn, khẳng định vị thế là địa phương đi đầu trong khai thác biển. Hiện tại, dù mới bắt đầu vụ cá Nam nhưng thời điểm này hầu hết tàu cá công suất lớn trên địa bàn huyện đã vươn khơi tới các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Các tàu thuyền nhỏ cũng hoạt động nhộn nhịp ở vùng lộng và ven bờ. Nhiều chuyến biển đã mang về những mẻ cá giá trị cao, giúp ngư dân thu về hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi chuyến.
Theo ông Hòa, ngay từ đầu năm, huyện Gio Linh đã chỉ đạo các địa phương ven biển củng cố tổ đội đoàn kết trên biển, khuyến khích ngư dân bảo dưỡng tàu thuyền, nâng cấp máy móc, bổ sung ngư lưới cụ và máy dò cá. Yêu cầu ngư dân ký cam kết về chống khai thác IUU, đảm bảo tuân thủ quy định về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, ghi nhật ký khai thác, không vượt ranh giới biển và ra vào cảng cá chỉ định.
“Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, ngư dân Gio Linh không chỉ kỳ vọng một vụ mùa bội thu mà còn góp phần khẳng định chủ quyền trên các ngư trường truyền thống”, ông Hòa khẳng định.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) Nguyễn Hữu Vinh nhấn mạnh, vụ cá Nam là vụ khai thác thủy sản chính của năm, đối tượng đánh bắt đa dạng, đặc biệt là các loại cá nổi như cá cơm, cá nục, cá trích, bạc má, mực các loại…; là vụ cá có sản lượng lớn và đóng vai trò quan trọng trong thu nhập của ngư dân. Để khai thác có hiệu quả, Sở NN&MT đã tích cực phối hợp với các địa phương ven biển trong việc hướng dẫn ngư dân tổ chức sản xuất trên biển theo đoàn, tổ, đội, đặc biệt là ở ngư trường vùng biển xa; đẩy mạnh sản xuất đối với một số nghề tiêu tốn ít nhiên liệu, sử dụng máy tàu có công suất phù hợp. Hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân trong việc duy tu, bảo dưỡng tàu thuyền, trang bị các thiết bị khai thác hiện đại như: máy lái tự động, tời thủy lực trên tàu cá; ứng dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản trong bảo quản, giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch; khuyến khích các hoạt động dịch vụ hậu cần trên biển như: thu mua sản phẩm, cung cấp dầu, nhu yếu phẩm ngay trên biển, đảo để giảm chi phí nhiên liệu cho tàu cá khi phải về cảng bốc dỡ sản phẩm. Hướng dẫn chủ tàu, thuyền trưởng sử dụng hiệu quả thông tin dự báo thời tiết, ngư trường, các thiết bị hàng hải hiện đại để giảm thiểu chi phí hành trình tìm ngư trường, nguồn lợi và tăng hiệu quả khai thác. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp, thương lái trên địa bàn tỉnh cùng chia sẻ lợi ích với ngư dân trong chuỗi giá trị sản xuất khai thác thủy sản để nâng cao giá trị sản phẩm; đặc biệt là chỉ thu mua, bốc dỡ sản phẩm thủy sản tại các cảng cá đúng quy định nhằm góp phần chống khai thác IUU.
“Với ngư dân, vụ cá Nam không chỉ là mùa vụ đánh bắt mà còn là dịp để khẳng định tinh thần bám biển. Vừa làm giàu cho gia đình, vừa góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”, ông Vĩnh cho hay.
Lan Anh – Mỹ Nhung
Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị