Đây là tiềm năng, thế mạnh để người dân địa phương chuyển đổi cây trồng con nuôi trên nương sang nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và phát triển du lịch. Song song với việc khai thác tiềm năng nuôi thủy sản phát triển du lịch trên lòng hồ. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các xã dọc sông cũng thường xuyên chú trọng thực hiện các giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Hiện nay, Quỳnh Nhai có có vùng lòng hồ rộng hơn 10.500 ha, dài khoảng 72 km, trải dọc địa bàn 09 xã Chiềng Khoang, Mường Sại, Nặm Ét, Chiềng Bằng, Mường Giàng, Chiềng Ơn, Pá Ma Pha Khinh, Mường Chiên và Cà Nàng. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân địa phương phát triển nghề nuôi cá lồng và đánh bắt, khai thác thủy sản, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Theo báo cáo cáo từ cơ quan chuyên môn, toàn huyện hiện có gần 30 HTX thủy sản với hơn hơn 1.000 hội viên tham gia hoạt động; có hơn 600 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản với hơn 700 phương tiện và hơn 100.000 ngư cụ tham gia khai thác đánh bắt thủy sản. Những năm qua, mặc dù đã được các cơ quan chức năng huyện và các xã tích cực tuyên truyền các hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản theo quy định. Song việc khai thác thủy sản của một số tàu thuyền không rõ lai lịch mang tính tận diệt vẫn cố tình diễn ra, làm nguồn lợi thủy sản trên lòng hồ bị suy giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái tự nhiên vùng lòng hồ sông Đà.

Ông Điêu Chính Hải, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết: Thời gian qua, Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ nguồn thủy sản trên lòng hồ thủy điện. Định kỳ và đột xuất, tổ công tác huyện và các xã tổ chức kiểm tra, rà soát các hoạt động khai thác đánh bát thủy sản trên lòng hồ của người dân. Đồng thời tuyên truyền bà con nhân dân thực hiện khai thác thủy sản đảm bảo theo quy định; không sử dụng các ngư cụ tận diệt như lưới bát quái, xung điện, hủy hoại nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh trên sông; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình sai phạm. Hàng năm, huyện cũng đã tổ chức các hoạt động thả cá tái tạo lòng hồ, tạo sinh kế đánh bắt lâu dài cho ngư dân…

leftcenterrightdel
 Tuyên truyền nhắc nhở ngư dân chấp hành tốt đánh bắt để bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã đã tổ chức được 67 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác, đánh bắt, thủy sản sai quy định. Qua kiểm tra việc khai thác, đánh bắt, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Tổ công tác của các xã không phát hiện các trường hợp vi phạm. Công tác bảo vệ nguồn thủy sản trên địa bàn huyện còn gặp một số khó khăn, như địa bàn rộng, nhiều thuyền khai thác vãng lai, việc đánh bắt thường diễn ra vào ban đêm. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành quy định của một số người dân chưa tốt, vẫn còn tình trạng sử dụng các loại ngư cụ bị cấm trong khai thác, đánh bắt thủy sản. Công tác kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản của một số xã chưa thực hiện nghiêm túc, quyết liệt; một số xã lúng túng trong việc áp dụng văn bản xử lý vi phạm...

Trên vùng lòng hồ sông Đà từ xã Chiềng Khoang đến xã Cà Nàng, không khó để bắt gặp những chiếc vó đèn bắt cá của các HTX và hộ dân đặt trên lòng hồ. Vó đèn là một loại ngư cụ chuyên sử dụng để khai thác, đánh bắt các loại cá tự nhiên, như cá mương, cá ngão, tép dầu... Trước đây, vào mỗi buổi tối thả vó xuống nước, ánh sáng của đèn thu hút các loài côn trùng dẫn dụ cá đến tập trung dưới bóng đèn, sau đó ngư dân sẽ kéo lưới lên thu cá. Không ít ngư dân sử dụng loại lưới có mắt nhỏ nên có thể đánh bắt được cả những con cá bé. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến lượng cá tự nhiên bị khai thác tận diệt. Từ khi được các cơ quan chức năng của huyện và xã tăng cường tuyên truyền về các quy định trong khai thác đánh bắt thủy sản, ngư dân đã chấp hành sử dụng các dụng cụ đánh bắt thủy sản theo quy định.

Ông Lò Văn Chiến, bản Ba Nhất, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai cho biết: Trước đây bà con nhân dân thực hiện đánh bắt cá bằng các ngư cụ tự phát, làm suy giảm nguồn lợi thủy sản trên lòng hồ. Từ khi tổ công tác của huyện và xã tuyên truyền về sử dụng các ngư cụ đánh bắt cá theo quy định. Bà con nhân dân đã chấp hành nghiêm túc, thực hiện đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền, không sử dụng các ngư cụ đánh bắt tận diệt nữa.

Theo chân tổ công tác kiểm tra chấn chỉnh khai thác, đánh bắt thủy sản xã Chiềng Bằng vào một buổi chiều muộn tháng 8. Được biết, hiện trên địa bàn xã có hơn 310 phương tiện thuyền mộc, thuyền công suất nhỏ; 46 vó bè, vó đèn; 260 cái lưới và hơn 3.500 rọ tôm, bát quái mà ngư dân đang sử dụng để khai thác, đánh bắt thủy sản. Trước thực trạng nguồn lợi thủy sản đang đang dần bị suy giảm, UBND xã đã chỉ đạo tổ công tác của xã đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản, quy định về khai thác, đánh bắt thủy sản; ngăn chặn tình trạng sử dụng xung điện, chất nổ và ngư cụ cấm trong khai thác thủy sản; xử lý các hành vi vi phạm đối với các tàu thuyền ngoài địa bàn hoạt động trên vùng nước xã được giao quản lý. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên tuyền, nâng cao nhận thức cho người dân và các HTX trên địa bàn về nâng cao ý thức trong khai thác, đánh bắt thủy sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản…

Ông Mè Văn Phái, Chủ tịch UBND xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai thông tin: Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế bền vững cho người dân, UBND xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng các loại ngư cụ trong danh mục cấm để khai thác, đánh bắt thủy sản. Phối hợp với đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp khai thác đánh bắt theo hình thức hủy diệt; tiêu hủy các dụng cụ, ngư cụ sai quy định; buộc các chủ phương tiện ngừng việc khai thác, đánh bắt khi ngư cụ không đảm bảo quy định…

Từ năm 2019 đến nay, UBND huyện Quỳnh Nhai luôn chú trọng chỉ đạo thành lập các tổ công tác kiểm tra, chấn chỉnh, hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản kết hợp đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa tại địa bàn 9 xã dọc sông trên địa bàn huyện. Các tổ công tác thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình, rà soát các tổ chức, cá nhân đang hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản; tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật và tiến hành xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Định kỳ hàng tháng, báo cáo tình hình với UBND huyện để kịp thời có phương án, giải pháp giải quyết để bảo vệ nguồn thủy sản trên lòng hồ thủy điện, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân tái định cư. Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND huyện đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh thả hơn 49.000 con cá giống xuống lòng hồ để tái tạo nguồn lợi thủy sản.

leftcenterrightdel
UBND huyện Quỳnh Nhai thả các tái tạo nguồn lợi thủy sản lòng hồ sông Đà 

 Thời gian tới, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản lòng hồ, tạo sinh kế ổn định cho người dân. UBND huyện tiếp tục chỉ đạo tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh các hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Chỉ đạo các xã dọc sông đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; vận động các bản, xóm đưa nội dung quy định khai thác, đánh bắt thủy sản vào quy ước, hương ước... góp phần để việc khai thác, đánh bắt thủy sản trở thành nguồn sinh kế ổn định lâu dài cho người dân Tái định cư vùng lòng hồ sông Đà Quỳnh Nhai./.

Văn Thiệu

Trung tâm TT-VH huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La