Theo đó, Thái Nguyên xác định loài vật nuôi là hàng hoá chủ lực của tỉnh là lợn thịt, gia cầm, trâu, bò thịt. Định hướng đến năm 2020, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm (chủ yếu là gà, lợn); ổn định đàn trâu, phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, tầm vóc. Tỉnh tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, trang trại, sản xuất hàng hoá, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Mục tiêu chuyển đổi mạnh cơ cấu giống vật nuôi theo hướng tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đưa tỷ trọng chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp từ 36,9% năm 2012 lên 40% vào năm 2015 và 50% năm 2020. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng sản xuất ngành chăn nuôi bình quân đạt 9,0%/năm thời kỳ 2012 – 2015, đạt 12,0%/năm thời kỳ 2016 – 2020; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2015 đạt 4.718.750 triệu đồng, đến năm 2020 đạt 8.690.990 triệu đồng.

 

Để đạt được kết quả trên tỉnh Thái Nguyên đưa ra các giải pháp và chính sách hỗ trợ về đất đai, con giống, vốn, cải tạo và nâng cao chất lượng giống (trâu, bò, lợn), chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi, xử lý môi trường chăn nuôi, tăng cường phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia súc, gia cầm… Tổng số vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ để thực hiện đề án trong giai đoạn 2013-2020 là gần 105 tỉ đồng (Trong giai đoạn 2013 – 2015 là hơn 30 tỉ đồng).

 

Dương Trung Kiên – TTKN Thái Nguyên