Ngày 21/7/2025, tại Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Khánh Hòa tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Giải pháp phát triển chăn nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với du lịch sinh thái”.
Diễn đàn thu hút sự quan tâm và tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Viện Khoa học Phát triển Nông thôn, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Khánh Hòa, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, cùng đông đảo cộng tác viên khuyến nông, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân tiêu biểu trong khu vực.
Biến đổi khí hậu đang tác động ngày càng rõ nét đến ngành chăn nuôi tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, với những biểu hiện điển hình như hạn hán kéo dài, thiếu nước nghiêm trọng và dịch bệnh gia tăng trên vật nuôi. Trước thách thức đó, nhiều địa phương đã chủ động chuyển đổi phương thức sản xuất, triển khai các mô hình chăn nuôi thích ứng hiệu quả, vừa đảm bảo sinh kế, vừa tận dụng điều kiện tự nhiên đặc thù từng vùng.
Tiêu biểu là các mô hình chăn nuôi dê, cừu, trâu bò kết hợp trồng và dự trữ thức ăn xanh, giúp chủ động nguồn dinh dưỡng trong mùa khô hạn; mô hình nuôi vịt biển thích nghi tốt với vùng nước lợ – mặn, mang lại hiệu quả kinh tế cao; hay việc sử dụng giống vật nuôi bản địa như Dê Bách Thảo, Cừu Phan Rang, gà Ri, gà H’Mông,… không chỉ phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt mà còn góp phần bảo tồn nguồn gen quý và tạo ra sản phẩm đặc sản đạt tiêu chuẩn OCOP tại nhiều địa phương.
    |
 |
Mô hình chăn nuôi dê, cừu, trâu bò kết hợp trồng và dự trữ thức ăn xanh |
Tại Diễn đàn, các đại biểu cũng ghi nhận một số mô hình tiêu biểu đã bước đầu thành công trong việc tích hợp chăn nuôi với hoạt động du lịch sinh thái – trải nghiệm, mở ra hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp đa giá trị. Điển hình là mô hình nuôi dê gắn với dịch vụ tham quan, chụp ảnh, thưởng thức ẩm thực địa phương tại Khánh Hòa, Phú Thọ, Ninh Bình; hay mô hình chăn nuôi cừu kết hợp farmstay, cưỡi cừu, cắm trại giữa không gian nông trại mở tại Ninh Thuận, Khánh Hòa, Lâm Đồng… Không chỉ mang lại nguồn thu nhập bổ sung ổn định cho người dân, các mô hình này còn tạo điểm nhấn đặc sắc trong bức tranh du lịch nông thôn, góp phần thúc đẩy kinh tế vùng phát triển theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn văn hóa và cảnh quan bản địa.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Võ Văn Công – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Khánh Hòa – chia sẻ: Trong những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã nỗ lực tái cơ cấu sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn nhìn nhận: Khánh Hòa vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, hạn hán, dịch bệnh ngày càng gia tăng, trong khi sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún. Điều này đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng thu hút đầu tư, chuyển giao kỹ thuật cũng như phát triển các chuỗi giá trị theo hướng hiện đại, bền vững.
Trước tình hình đó, tỉnh xác định ưu tiên chuyển đổi vật nuôi phù hợp với điều kiện địa phương như dê, cừu, bò; đồng thời thúc đẩy liên kết sản xuất – tiêu thụ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và các mô hình thích ứng biến đổi khí hậu, gắn với phát triển du lịch sinh thái nhằm mở rộng sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia – nhấn mạnh: Để phát triển hiệu quả mô hình chăn nuôi gắn với du lịch, điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo vệ sinh môi trường, sản phẩm an toàn và ứng dụng công nghệ hiện đại trong quá trình chăn nuôi. Các địa phương cần tận dụng lợi thế cảnh quan, văn hóa bản địa để xây dựng những mô hình khác biệt, độc đáo, đủ sức hấp dẫn du khách và tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho người sản xuất.
Ông cũng cho rằng, hiện nay đã có nhiều giải pháp kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, tuy nhiên việc áp dụng cần linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng miền. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, việc lựa chọn mô hình chăn nuôi thích ứng là yêu cầu tất yếu, đồng thời mở ra hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp đa giá trị, tích hợp du lịch, dịch vụ và bảo tồn văn hóa nông thôn.
Chỉ đạo đối với hệ thống khuyến nông, ông Thanh nhấn mạnh vai trò đồng hành của lực lượng khuyến nông trong việc giúp người dân không chỉ tiếp cận, mà còn biết cách vận dụng hiệu quả thông tin, kỹ thuật vào thực tiễn. Khuyến nông cần hỗ trợ nông dân chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, thúc đẩy liên kết chuỗi, tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác xã để nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường.
Theo báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, để thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã gắn với du lịch nông nghiệp – nông thôn, cần tập trung triển khai một số nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó, đáng chú ý là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò và tiềm năng của du lịch nông nghiệp trong hệ thống kinh tế hợp tác; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho loại hình trang trại, hợp tác xã kết hợp hoạt động du lịch, bao gồm xây dựng bộ chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá tình hình hoạt động phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, Cục nhấn mạnh cần tăng cường đào tạo kỹ năng làm du lịch cho cán bộ hợp tác xã, chủ trang trại và người dân – nhằm nâng cao năng lực phục vụ, phát triển sản phẩm đặc thù, tạo điểm nhấn thu hút du khách, từ đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng đa giá trị và bền vững.
    |
 |
Các đại biểu tham quan mô hình chăn nuôi thích ứng biến đổi khí hậu, gắn với du lịch sinh thái |
TS. Đặng Quý Nhân (Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương) nhấn mạnh: Du lịch nông nghiệp muốn phát triển bền vững cần thay đổi tư duy từ chính người nông dân – không chỉ sản xuất mà phải biết làm du lịch, kể chuyện, tạo trải nghiệm. Tuy nhiên, nếu để người dân tự xoay xở thì rất khó thành công. Cần sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, ngành du lịch, ngành nông nghiệp, cùng với sự hình thành cộng đồng du lịch nông nghiệp có sự phối hợp theo chuỗi. Khi đó, mỗi mùa vụ sẽ là một sản phẩm, mỗi làng quê trở thành một điểm đến hấp dẫn.
GS.TS Phạm Thị Mỹ Dung (Viện Khoa học Phát triển Nông thôn) cho rằng du lịch nông nghiệp tại Việt Nam cần vượt khỏi hình thức “check-in” đơn thuần, hướng đến kết nối sản xuất – chế biến – trải nghiệm để tạo giá trị thực sự.
Diễn đàn tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa mô hình chăn nuôi hiệu quả và đề xuất giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững góp phần nâng cao thu nhập, bảo tồn văn hóa bản địa và phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả..
Hải Nguyễn – Phan Tuấn
Trung tâm Khuyến nông quốc gia
Xem thêm tin, bài về Diễn đàn trên các báo:
Báo Nông nghiệp và Môi trường
Báo Nhân Dân
Báo Dân Việt
Báo Khánh Hòa
Báo điện tử Tiếng nói Việt Nam
Thông tấn xã Việt Nam