Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có đồng chí Phạm Văn Sỹ - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT; cùng các đồng chí Phó Giám đốc sở; lãnh đạo các phòng chuyên môn, các cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT.

 

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Nguyên, năm 2024, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của hoàn lưu cơn bão số 03 trong tháng 9/2024 nhưng ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định, cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục dịch chuyển theo hướng tích cực, chuyển đổi sang cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao gắn với lợi thế của các địa phương. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 16.389 tỷ đồng, tăng 3,16% so với cùng kỳ.

 

Cây chè tiếp tục khẳng định là cây trồng chủ lực, thế mạnh của tỉnh, diện tích, sản lượng và giá trị sản phẩm trà của tỉnh hiện đang đứng đầu cả nước. Toàn tỉnh Thái Nguyên có 22,2 nghìn ha chè, trong đó diện tích chè cho sản phẩm 21,5 nghìn ha; năng suất chè bình quân ước đạt 127 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi năm 2024 ước đạt 272,8 nghìn tấn, sản lượng chè sau chế biến (trà) ước đạt 54,6 nghìn tấn, giá trị sản phẩm trà ước đạt trên 13,8 nghìn tỷ đồng.

 

Tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh ước đạt gần 14 nghìn ha, trong đó diện tích một số loại cây ăn quả chủ lực: na 1.133 ha, bưởi 2.065 ha, nhãn 1.738 ha. Hình thành một số vùng sản xuất cây ăn quả tập trung có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ với tổng diện tích ước đạt 2.000 ha.

 

Lĩnh vực chăn nuôi có đóng góp quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất nông nghiệp. Sản xuất chăn nuôi chuyển dịch theo hướng tập trung, quy mô trang trại, hợp tác xã. Phát triển chăn nuôi theo hướng hiệu quả, hiện đại, bền vững; tiếp tục tăng quy mô đàn vật nuôi ở những nơi có điều kiện, tăng tỷ trọng chăn nuôi quy mô trang trại ở các vùng xa khu dân cư, đặc biệt chăn nuôi lợn, bò, gia cầm; giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô nông hộ.

 

Hiện nay, toàn tỉnh có 294 sản phẩm được xếp hạng tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 5 sao; trong đó: 183 sản phẩm trà, chiếm 62,2% (01 sản phẩm đạt 5 sao); 53 sản phẩm thực phẩm chế biến (miến, bún, thịt sấy, dầu ép, nem...); 57 sản phẩm là các loại như: gia vị, đồ uống, thủ công mỹ nghệ, may mặc, thực phẩm tươi sống, thô, sơ chế và 01 sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch. Giá trị kinh tế của các sản phẩm được đánh giá xếp hạng OCOP nâng lên từ 20% trở lên.

 

Trong xây dựng nông thôn mới, đến nay tỉnh Thái Nguyên có 03 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thành phố Phổ Yên), 03 huyện (huyện Phú Bình, huyện Đại Từ, huyện Định Hóa) đạt chuẩn nông thôn mới; 118/126 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 93,7% tổng số xã; 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân đạt 18,6 tiêu chí/xã, không có xã dưới 10 tiêu chí. Dự kiến đến hết năm 2024, có thêm 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã nông thôn mới nâng cao, 02 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Phú Lương).

 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Trung đánh giá cao những kết quả ngành Nông nghiệp Thái Nguyên đã đạt được trong thời gian qua; sản xuất nông nghiệp của tỉnh thực hiện theo đúng định hướng, mang lại hiệu quả cao. Tỉnh Thái Nguyên sử dụng vật tư nông nghiệp rất bài bản, hướng tới thân thiện môi trường; tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học tương đối cao, quy mô sử dụng phân bón hữu cơ tại nông hộ lớn; đồng thời tận dụng tốt phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng…

leftcenterrightdel
 Đoàn công tác đã khảo sát thực tế vùng chè sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam

 

Thời gian tới, đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên bám sát các chỉ đạo sản xuất của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và PTNT; tập trung triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, Luật Trồng trọt; tổ chức thực hiện tốt Nghị định 112/2024/NĐ-CP về Quy định chi tiết về đất trồng lúa...

 

Đối với các kiến nghị của tỉnh về xây dựng mô hình sản xuất an toàn, hữu cơ, liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản… Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ hỗ trợ tỉnh xây dựng các mô hình lớn, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật để sử dụng làm mô hình tuyên truyền, tập huấn, hội thảo đầu bờ; đồng thời hỗ trợ tỉnh xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản…

 

Trước đó, Đoàn công tác đã khảo sát thực tế một số mô hình sản xuất nông nghiệp vụ Đông, khôi phục sản xuất sau cơn bão số 3, vùng chè sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam trên địa bàn thành phố Thái Nguyên. Tại buổi làm việc, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp nhận quà hỗ trợ (phân bón, gạo) của các doanh nghiệp giúp tỉnh khôi phục sản xuất sau cơn bão số 3, sau đó thực hiện phân giao các địa phương hỗ trợ cho người sản xuất./.

 

Dương Trung Kiên

Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên