Hiện nay, ở một số địa phương tại các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, nước lũ đã rút nhiều. Chính quyền địa phương và bà con nông dân đang khẩn trương dọn dẹp nhà cửa, chuồng trại, đồng ruộng, khắc phục thiệt hại sau bão lũ để sớm ổn định sản xuất và đời sống.

 

Đoàn đã đến thăm mô hình tại Hợp tác xã gà đồi Tân Tiến - xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Tại mô hình, các xã viên đang khẩn trương dọn dẹp bùn đất, tập trung xử lý môi trường, vệ sinh chuồng trại.

 

Ông Bùi Quang Hữu - Giám đốc Hợp tác xã cho biết, những ngày qua, toàn bộ chuồng trại của Hợp tác xã bị nước ngập hết sàn chuồng, số gà nuôi được kịp thời di chuyển lên khu vực cao nên không bị thiệt hại. Hợp tác xã sẽ có chế độ chăm sóc đặc biệt cho gà và tái đàn trong thời gian gần nhất.

 

leftcenterrightdel
Đoàn đến thăm Hợp tác xã gà đồi Tân Tiến và trao đổi với Giám đốc HTX

 

Chia sẻ với bà con, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm KNQG cho biết, bão lũ đã gây thiệt hại rất lớn đối với người dân và sản xuất nông nghiệp. Nhằm giúp bà con nông dân nhanh chóng khôi phục sản xuất, Trung tâm KNQG đã ban hành quy trình hướng dẫn đối với từng loại cây trồng, vật nuôi và chuyển tải đến cho lực lượng khuyến nông các tỉnh bị ảnh hưởng bão lũ để phổ biến truyền tải đến các hộ nông dân tại địa phương.

 

Riêng đối với đàn gia cầm, ông Thanh lưu ý, điều quan trọng nhất là phải giải quyết vấn đề môi trường, phải tiêu độc khử trùng ngay. Thứ hai, tăng cường chế độ dinh dưỡng đặc biệt cho đàn gà sau những ngày bão, lũ. Thứ ba, dùng các nguồn nước sạch cho gia cầm, không phát thải phế thải chăn nuôi ra môi trường. Đề nghị Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên cùng hệ thống khuyến nông địa phương, các hợp tác xã, bà con nông dân tập huấn để thống nhất quy trình và xử lý đồng bộ để bảo vệ đàn gia cầm. Ông Lê Quốc Thanh đánh giá cao chính quyền địa phương và người dân nơi đây đã nỗ lực chuẩn bị tốt, nhanh chóng tìm cách khắc phục, vươn lên để tái sản xuất, ổn định cuộc sống sau mưa lũ.

 

leftcenterrightdel
Giám đốc Trung tâm KNQG lưu ý một số vấn đề để khôi phục sản xuất nông nghiệp 

 

Tại tỉnh Phú Thọ, qua đi thực địa các mô hình trồng trọt, chăn nuôi tại huyện Phù Ninh, Giám đốc Lê Quốc Thanh cho biết, với tinh thần “nước rút tới đâu, khắc phục tới đó”, để sớm khôi phục sản xuất, Trung tâm KNQG lưu ý với vùng cây trồng, căn cứ vào mức độ thiệt hại khác nhau để có những giải pháp khác nhau.

 

Cụ thể, đối với vườn ngập ở mức độ tương đối, sau khi rút nước cần có những biện pháp xới xáo, bổ sung ngay các chế phẩm sinh học, đặc biệt những vấn đề liên quan đến bộ rễ của cây trồng. Với vùng ngập sâu hơn, dài hơn, tuỳ vào tình trạng của cây để tiến hành cắt bỏ, thậm chí loại bỏ quả, tỉa quả không hiệu quả trong tình trạng cây bị yếu, có biện pháp bón bổ sung các chất dinh dưỡng, xới xáo bón các chủng loại vi sinh kiểm soát được các bệnh về rễ. Đối với rau, màu những khu vực nào khắc phục được cần cho vệ sinh, loại bỏ phần dập thối, cây hỏng nát, duy trì tích cực chăm sóc. Với vùng nước còn bị ngập, cần khẩn trương rút nước. Nếu rút nước chủ động không được thì chủ động rút nước bằng các biện pháp dùng máy bơm, máy tát để bảo vệ. Với lúa và các loại hoa màu, cần khẩn trương rút nước. Hiện khu vực lúa chưa giai đoạn trổ, khi nước rút chúng ta bổ sung thêm phân bón kali giúp cứng cây, chống đổ tốt, phun kích thích sinh trưởng để cây có mức độ chống chịu tốt.

 

leftcenterrightdel
Giám đốc TTKNQG lưu ý, với vùng cây trồng, căn cứ vào mức độ thiệt hại khác nhau để có những giải pháp khác nhau 

 

Giám đốc Lê Quốc Thanh nhấn mạnh, bão lũ ảnh hưởng rất nặng nề đến sản xuất nông nghiệp trên tất cả các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản. Nếu chúng ta không có giải pháp về tiêu độc khử trùng xử lý các vấn đề môi trường sau ngập lũ sẽ ảnh hưởng lâu dài đến quá trình sản xuất. Chính vì vậy, Trung tâm KNQG đã có bộ giải pháp cụ thể cho từng đối tượng vật nuôi, cây trồng, đối tượng nuôi trồng thuỷ sản. Trung tâm KNQG đã ban hành và chuyển tải đến lực lượng hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở, mong muốn hệ thống khuyến nông sẽ hướng dẫn bà con nông dân áp dụng để giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất.

 

Giám đốc Trung tâm KNQG lưu ý, công tác khắc phục sản xuất cũng cấp bách như quá trình chống lũ, chống bão. Chính vì vậy cần giải quyết ngay càng sớm càng tốt với tinh thần cần làm ngay đảm bảo sớm, nhanh, hiệu quả và đúng quy trình. Ông lưu ý, lực lượng khuyến nông sẽ đồng hành cùng bà con, hướng dẫn bà con. Bất kỳ vướng mắc nào bà con có thể liên hệ đến lực lượng khuyến nông cộng đồng, lực lượng khuyến nông cơ sở để nhận được hướng dẫn sớm nhất từ hệ thống khuyến nông.

 

leftcenterrightdel
Sau ngập lụt, vấn đề tiêu độc khử trùng, xử lý các vấn đề môi trường cần quan tâm hàng đầu

 

Trung tâm KNQG đã chủ động tham mưu, đề xuất Bộ NN và PTNT hỗ trợ các địa phương triển khai các hoạt động khuyến nông khôi phục sản xuất, cụ thể:

- Đào tạo, tập huấn cho nông dân về các biện pháp xử lý môi trường sau bão lũ và chăm sóc cây trồng, vật nuôi để khôi phục sản xuất sau bão lũ.

- Hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình sản xuất ngắn ngày như: cây vụ đông, chăn nuôi gia cầm, nuôi thuỷ sản nước ngọt,… để đảm bảo nguồn thực phẩm tại chỗ giúp bà con nông dân ổn định cuộc sống.

- Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyền thông khuyến nông nhằm phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và khuyến cáo các giải pháp kỹ thuật, thông tin thị trường để giúp bà con nông dân các địa phương sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

 

leftcenterrightdel
Trung tâm KNQG đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về các giải pháp phục hồi sản xuất  nông nghiệp sau bão lũ

 

leftcenterrightdel
VTV1 ghi nhận tại Phú Thọ: Các địa phương tính toán phương án khôi phục sản xuất sau mưa lũ

Hoa Trà