Toạ đàm đã thu hút 100 đại biểu đến từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Chăn nuôi, Đại học Nông Lâm Huế, Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm, các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thừ Thiên Huế, các Trạm Khuyến nông/Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị trấn, cán bộ khuyến nông, thành viên khuyến nông cộng đồng và nông dân tiêu biểu từ tỉnh Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh và Quảng Bình.

 

Phát biểu khai mạc toạ đàm, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, ngành chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, đảm bảo thực phẩm trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi đang đối mặt với nhiều mối đe dọa từ dịch bệnh. Năm 2024, cả nước đã xảy ra 1.452 ổ dịch tại 1.103 xã trên 48 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 81.303 con lợn, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2023.

 

Hiện nay, chăn nuôi hữu cơ đang đối mặt với nhiều khó khăn. Chính sách ưu đãi đối với nông nghiệp hữu cơ chưa đồng bộ; chưa có quy hoạch chi tiết về vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ; thị trường không ổn định; giá các sản phẩm còn cao, chưa khuyến khích các nhà sản xuất chuyển đổi từ chăn nuôi thông thường sang chăn nuôi hữu cơ. Bên cạnh đó, chăn nuôi an toàn sinh học chỉ được thực hiện tốt tại các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại; phần lớn các cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ, nhỏ lẻ việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất, chuồng trại, điều kiện cách ly không đáp ứng yêu cầu của chăn nuôi an toàn sinh học.

 

Tại Tọa đàm đã trao đổi, chia sẻ giữa 4 nhà (Nhà nước - Nhà Khoa học - Nhà nông và Doanh nghiệp) về những khó khăn, thách thức, phương pháp tiếp cận mới, cách nhìn mới, tư duy mới cho hoạt động chăn nuôi; đưa ra những giải pháp về quản lý, kỹ thuật, thị trường tiêu thụ và đào tạo kiến thức cho người dân về chăn nuôi hữu cơ và an toàn sinh học.

 

Toạ đàm đã giới thiệu mô số mô hình chăn nuôi tiêu biểu như mô hình chăn nuôi lợn sinh sản tăng cường các biện pháp an toàn sinh học. Trong điều kiện diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, 100% đàn lợn của mô hình không bị mắc bệnh; năng suất sinh sản tăng, số con cai sữa /nái/ổ từ 12-12,3 con trong mô hình so với 11,2-11,4 ngoài mô hình tăng 0,8-0,9 con. So sánh với hộ nuôi ngoài mô hình thì hiệu quả chăn nuôi theo mô hình này cao hơn từ 14,61-17,79%. Các địa phương triển khai mô hình được cung cấp lợn giống chất lượng, an toàn dịch bệnh.

 

Mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ áp dụng theo tiêu chuẩn TCVN 11041-3:2017, con giống được kiểm soát và có thời gian chuyển đổi ít nhất là 4 tháng. Thức ăn được bổ sung chế phẩm sinh học, sử dụng các nguyên liệu sản xuất tại địa phương. Nước uống cũng được kiểm soát đảm bảo chất lượng và cũng được bổ sung định kỳ chế phẩm sinh học. Chất thải chăn nuôi được xử lý triệt để hơn làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Các hộ mô hình đã đạt 70% tiêu chí theo yêu cầu tiêu chuẩn TCVN 11041-3:2017. Mô hình được triển khai có hiệu quả cao, đặc biệt trong thời điểm dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, tất cả các hộ tham gia dự án đều an toàn, đàn lợn của các mô hình có sức đề kháng tốt nên không bị nhiễm bệnh trong khi đàn lợn của các hộ xung quanh bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi với tỷ lệ cao. Tỷ lệ nuôi sống 100%. Xử lý chất thải bằng chế phẩm sinh học, tiết kiệm được 1.387 lít nước/con, chất lượng thịt thơm ngon, giá bán cao hơn so với thịt lợn chăn nuôi thông thường 25-30% tùy từng thời điểm, đồng thời môi trường chăn nuôi được cải thiện rõ rệt.

 

Toạ đàm góp phần thúc đẩy việc phát triển chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học tại Thừa Thiên Huế và các tỉnh miền Trung, giúp chăn nuôi lợn phát triển bền vững và hiệu quả.

 

Một số hình ảnh của tọa đàm:

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

Duy Điều

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia