30 học viên của lớp tập huấn đến từ 4 xã trồng lúa trọng điểm của huyện Thanh Trì - Hà Nội (xã Hữu Hòa, xã Tả Thanh Oai, xã Vĩnh Quỳnh và xã Đại Áng). Giảng viên là các cán bộ của Cục Bảo vệ Thực vật, Chi cục bảo vệ Thực vật Hà Nội và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.

Lớp tập huấn được diễn ra trong thời  gian 04 tháng, theo đúng thời vụ sản xuất lúa đông xuân năm 2016 của địa phương (lớp học khai giảng từ ngày 25/2/2016 và kết thúc ngày 23/6/2016).

Với phương châm học đi đôi với hành, gắn liền việc học với thực tế đồng ruộng nhằm giúp học viên thấy được hiệu quả của việc áp dụng mô hình  thâm canh lúa tổng hợp theo SRI bao gồm thực hiện tổng hợp các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); quản lý dinh dưỡng (INM) và quản lý nước (IWM). Lớp học đã sử dụng ruộng lúa của gia đình ông Tưởng Văn Đang ở cánh đồng Nấm Dù, xóm Đại Khang, xã Hữu Hòa để học viên rèn kỹ năng điều tra phân tích hệ sinh thái ruộng lúa, quan sát sự sinh trưởng phát triển của cây lúa, điều tra sâu bệnh hại, thiên địch.

Trước khi bố trí thí nghiệm đồng ruộng, giảng viên và học viên trong lớp đã dành 1 buổi cùng trao đổi về tình hình sản xuất lúa thực tế của địa phương. Qua đó cho thấy truyền thống canh tác lúa của nông dân nơi đây thường gieo mạ dược, nhổ đi cấy khi cây mạ 4 - 5 lá, thậm chí còn già hơn; cấy 3 - 5 rảnh/khóm, và cấy dày, mật độ cấy 45 - 50 khóm/m2, bón phân không cân đối, đa phần bón không đúng thời điểm cây cần bón, bón lai rai nhiều lần, cây lúa không đẻ tập trung, nhiều rảnh vô hiệu, dẫn đến năng suất thấp. Ngoài ra người dân thường có thói quen phun thuốc trừ cỏ và thuốc trừ sâu bệnh, phun không đúng thời điểm và phun quá liều lượng gây bùng phát các loại sâu bệnh hại.

Căn cứ vào tình hình thực tế trên, 4 thí nghiệm về mật độ cấy, số dảnh cấy, lượng phân đạm, phân ka li bón cho lúa theo các công thức khác nhau đã được áp dụng cho thí nghiệm. 30 học viên cũng được phân chia thành 4 tổ, mỗi tổ phụ trách 1 thí nghiệm trên ruộng lúa.

Học viên cấy lúa theo các công thức thí nghiệm được phân công

Với thời gian học 14 ngày trải dài trong suốt mùa vụ sinh trưởng phát triển của cây lúa, các buổi học đều được bố trí theo đúng kỳ điều tra các yếu tố sinh trưởng phát triển của cây lúa, điều tra sự xuất hiện của sâu bệnh hại trên đồng ruộng. Bên cạnh chuyên đề sinh lý cây lúa ở các giai đoạn mạ, đẻ nhánh, đứng cái, làm đòng, trỗ, chín, các chuyên đề về quản lý các đối tượng dịch hại như chuột, cỏ dại, ốc bươu vàng, sâu, bệnh hại cũng được thảo luận cụ thể và đi đến thống nhất phương án giải quyết hiệu quả nhất.

Giáo viên và học viên cùng quan sát và thu thập mẫu sâu bệnh hại trên ruộng thí nghiệm

Trước mỗi buổi học, giáo viên và học viên cùng quan sát và thu thập mẫu sâu bệnh hại trên ruộng thí nghiệm, sau đó học viên về lớp cùng thảo luận theo từng nhóm sâu bệnh hại, thiên địch và vẽ bức tranh hệ sinh thái ruộng lúa và luân phiên đại diện từng nhóm lên trình bày về các yếu tố ảnh hưởng đến cây lúa, phân tích tình trạng cây lúa ở từng thời điểm hiện tại và đưa ra các biện pháp quản lý hiệu quả. Qua đây học viên vừa được nâng cao kiến thức chuyên môn vừa được rèn luyện kỹ năng báo cáo, thuyết trình.

Học viên trình bày kết quả thảo luận nhóm

Kết quả thí nghiệm chỉ ra rằng, tại cánh đồng Nấm Dù, xóm Đại Khang, xã Hữu Hòa, công thức lúa cấy với mật độ 25 x 25 cm, cấy mạ non (2-2,5 lá), cấy 1 dảnh và lượng phân đạm nên bón là 3 kg/sào; lượng phân kali là 7 kg/sào cho năng suất cao nhất (1 sào = 360m2).

Qua hoạch toán chi phí, áp dụng sản xuất theo mô hình này giảm được chi phí về giống, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế đổ ngã của cây lúa, giảm công lao động. Cũng do cấy thưa và bón phân cây đối nên cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, các loại sâu bệnh như cuốn lá, khô vằn, rầy các loại rất nhẹ, cả vụ chỉ phun 1 lần thuốc trừ bệnh lem lép hạt, bình quân giảm 3-4 lần phun thuốc/vụ qua đó giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Sau khi hoạch toán áp dụng sản xuất theo chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM giảm được khoảng 4 triệu đồng/ha so với tập quán sản xuất bình thường.  

Qua lớp tập huấn cũng giúp học viên nâng cao kiến thức trong việc nhận biết, phát hiện sâu bệnh và có biện pháp phòng trừ dịch hại trên cây lúa kịp thời; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, không ảnh hưởng đến môi trường, đồng thời nâng cao nhận thức về việc áp dụng kỹ thuật mới trong sản xuất để từ đó thay thế hoàn toàn phương thức sản xuất theo tập quán bằng quản lý dịch hại tổng hợp IPM lồng ghép trên nền canh tác lúa tiên tiến SRI.

Kết quả điểm kiểm tra đầu khóa, số học viên đạt loại trung bình: 47,8%; khá 47,8%; giỏi 4,4%. Kết quả kiểm tra cuối khóa loại khá đạt 82,6%; loại giỏi đạt 17,4%. Không có học sinh có kết quả trung bình. Sau khóa học các học viên này sẽ trực tiếp hướng dẫn cho bà con nông dân khác về kỹ thuật canh tác lúa cải tiến theo SRI, giúp họ nâng cao trình độ canh tác, kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế sâu bệnh và hạn chế việc phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng lợi nhuận cho nông dân.

Trao Giấy chứng nhận cho các học viên hoàn thành khóa tập huấn 

Bày tỏ cảm nghĩ của mình, ông Lê Đình Hòa, người đã gắn bó với lớp và trực tiếp tham gia các thực nghiệm trên đồng ruộng cho biết: “Mặc dù tham dự nhiều lớp tập huấn, nhưng qua lớp học này đã giúp tôi hiểu rõ hơn về cách sử dụng phân bón, thời điểm bón phân hợp lý và sử dụng thuốc trừ sâu đúng kỹ thuật, đặc biệt là thấy được hiệu quả của việc áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến để giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất và giảm ô nhiễm môi trường”. Ông Hòa cũng nhấn mạnh một trong những bí quyết để có được ruộng lúa tốt là cần phải thăm đồng thường xuyên, nắm được tình hình phát triển của cây lúa và sâu bệnh hại để có biện pháp kỹ thuật và phòng trừ sâu bệnh kịp thời.

Chính quyền địa phương và các học viên cũng mong muốn Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục mở những lớp tập huấn quản lý dịch hại (IPM) trên những cây trồng, đặc biệt các lớp tập huấn trên cây rau để người dân có cơ hội tham gia học tập, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ hiểu biết để từ đó áp dụng cho sản xuất của gia đình và truyền đạt cho cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, bền vững và hiệu quả.

Thanh Huyền

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia