Tọa đàm có sự tham gia của nhiều đại biểu đến từ các cơ quan liên quan và gần 100 đại biểu là thành viên các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ khuyến nông cộng đồng, nhân viên thú y – khuyến nông, nông dân trồng cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

 

Ông Tô Việt Châu – Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, ông Đặng Bá Đàn – Phó phụ trách Văn phòng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên Trung tâm Khuyến nông quốc gia, ông Đỗ Thành Chung – Giám đốc Diễn đàn cà phê toàn cầu (GCP) tại Việt Nam và ông Nguyễn Văn Chương – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Giống nông, lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông đồng chủ trì tọa đàm.

 

Tọa đàm với mục đích nâng cao nhận thức cho cán bộ khuyến nông, nông dân, người sản xuất cà phê và các đối tác liên quan về thực trạng của việc sử dụng thuốc BVTV hiện nay và ảnh hưởng của nó đến môi trường.

 

Tọa đàm cũng là dịp để nêu cao vai trò, trách nhiệm của các tác nhân trong chuỗi sản xuất cà phê về sử dụng vật tư nông nghiệp đầu vào và thu gom rác thải, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng và môi trường. Từ đó, đưa ra các giải pháp quản lý và xử lý chất thải trong lĩnh vực nông nghiệp, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

 

Hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất cà phê nói riêng có nhiều tác động tiêu cực đến môi trường sống. Với diện tích khoảng 142.059 ha, hàng năm cây cà phê sử dụng một lượng phân bón, thuốc BVTV rất lớn.

 

Đối với phân bón, lượng phân vô cơ sử dụng trên 300.000 tấn/năm, chủ yếu dạng NPK tổng hợp; phân chuồng, hữu cơ các loại, phân hữu cơ người dân tự ủ, sản xuất,... khoảng 1.704.000 tấn.

 

Đối với thuốc BVTV, nông dân chủ yếu sử dụng thuốc trừ bệnh để phòng, trị các bệnh do nấm, vi khuẩn gây bệnh thán thư, thối thân, nấm hồng trong mùa mưa; thuốc trừ sâu chủ yếu phòng trừ các đối tượng rầy rệp hại cành, quả và nấm, tuyến trùng hại rễ,... Bình quân một năm phun từ 1-2 lần, lượng thuốc sử dụng/năm trên 200.000 lít, trong đó chủ yếu thuốc trừ bệnh và rầy rệp chích hút.

 

Từ những thực trạng trên, việc quản lý, thu gom và xử lý chất thải trong sản xuất cà phê bao gồm các loại vỏ, bao gói, thùng chứa vật tư nông nghiệp (phân bón, hóa chất, thuốc BVTV) trở thành vấn đề được các cấp ngành và người dân quan tâm vì nếu không có giải pháp phù hợp thì nguy cơ ô nhiễm môi trường, nguồn nước rất lớn.

 

Mặc dù tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có các mô hình thu gom rác thải nông nghiệp, tuyên truyền phổ biến cho người dân nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Việc xử lý các loại rác thải này còn chưa có những hướng dẫn cụ thể, chưa có đơn vị xử lý đảm bảo tiêu chuẩn quy định về vệ sinh môi trường.

 

Tại tọa đàm, các đại biểu đã nêu lên các vấn đề liên quan nhu cầu cấp thiết phải thực hiện nhiều biện pháp kỹ thuật nhằm giảm phát thải khí nhà kính, các vấn đề thu gom rác thải trong sản xuất cà phê. Trong đó, điển hình là tình trạng bao bì phân bón, thuốc BVTV sau sử dụng chưa được thu gom và xử lý theo quy định; việc bón phân mất cân đối, lạm dụng thuốc BVTV đang ảnh hưởng lớn đến ngành hàng cà phê Việt Nam. Nhiều đại biểu nhấn mạnh cần có sự đồng bộ trong việc nghiên cứu và ứng dụng vào sản xuất cà phê, cách tiếp cận khuyến nông trong sản xuất cà phê theo nhu cầu thị trường, an toàn vệ sinh lao động chuỗi sản xuất cà phê…

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh tọa đàm

 

Phát biểu tại tọa đàm, ông Tô Việt Châu – Phó vụ trưởng vụ Hợp tác quốc tế khẳng định, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng hệ thống khuyến nông cả nước sẽ kết nối và phối hợp với các các bên liên triển khai những nội dung, chuyên đề về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và biện pháp quản lý chất thải trong sản xuất cà phê với mục tiêu  nâng cao nhận thức cho người dân, nâng cao giá trị ngành hàng cà phê tại địa phương.

Nguyễn Thảo

Trung tâm Khuyến nông và GNLN Đắk Nông

 

Xem thêm tin, bài về tọa đàm tại: 

Báo Nhân dân

Báo Đắk Nông