Trong khuôn khổ hợp tác giữa Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Tổ chức Diễn đàn cà phê toàn cầu (GCP), sáng ngày 21/3/2025, tại Tp. Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Tổ chức GCP, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng tổ chức Tọa đàm “Nâng cao nhận thức cho cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng về quản lý và thu gom chất thải trong sản xuất cà phê” với sự tham gia của 120 đại biểu gồm các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng; đại diện phòng Nông nghiệp và Môi trường, Hội Nông dân, Trung tâm Nông nghiệp các huyện/Tp. Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm, cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng, thành viên HTX, các doanh nghiệp và người sản xuất cà phê tỉnh Lâm Đồng.
    |
 |
Các chuyên gia trao đổi tại toạ đàm |
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Đỗ Thành Chung - Giám đốc Dự án sáng kiến sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm trong sản xuất cà phê (Dự án CAI) – Tổ chức GCP cho biết: đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành hàng cà phê Việt Nam, Tổ chức GCP đã triển khai hoạt động nâng cao nhận thức của nông dân về quản lý cỏ dại, chất thải và hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, đặc biệt là thuốc diệt cỏ có chứa hoạt chất glyphosate trong sản xuất cà phê. Ngoài ra đã phối hợp với các bên liên quan xây dựng sổ tay hướng dẫn thực hành quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) áp dụng cho cây cà phê nhằm giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học và thúc đẩy phương pháp quản lý sâu bệnh thân thiện với mội trường.
Tại tọa đàm, bà Vũ Thị Thúy, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng thông tin: Lâm Đồng có diện tích cà phê lớn thứ 2 cả nước; năng suất, sản lượng cà phê của tỉnh đứng đầu cả nước. Cây cà phê được xác định là cây trồng chủ lực của tỉnh, chiếm 60% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Diện tích canh tác đạt 176.857 ha; Hàng năm nông dân trồng cà phê sử dụng khoảng 289.726 tấn phân bón/năm (1,638 kg/ha) trong đó phân bón hữu cơ 139.000 tấn, phân bón vô cơ 150.726 tấn. Sử dụng 73 loại thuốc (34 hoạt chất) để phòng trừ dịch hại trên cây cà phê với lượng thuốc sử dụng trên cà phê khoảng 645,4 tấn/năm. Lượng bao gói thuốc BVTV phát sinh từ sản xuất cà phê khoảng 32,3 tấn/năm, bao gói phân bón khoảng 1.450 tấn/năm. Bên cạnh đó, phụ phẩm cây trồng phát sinh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện nay khoảng 1,67 triệu tấn/năm, trong đó lượng phụ phẩm loại bỏ từ cà phê khoảng 218,1 nghìn tấn.
Việc phát sinh lượng lớn chất thải lớn như vậy đã đem đến những tác động xấu cho môi trường sinh thái, gây ra những tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe con người và động, thực vật. Chính vì vậy lực lượng cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng đã thường xuyên cập nhật, phổ biến, thông tin các mô hình, sáng kiến và kinh nghiệm về giảm thiểu chất thải trong sản xuất cà phê để hướng dẫn nông dân thu gom, xử lý chất thải nguy hại theo đúng quy định, xây dựng và phát triển các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM).
Tại tọa đàm, TS. Đào Văn Thông - Trưởng bộ môn Môi trường nông thôn - Viện Môi trường Nông nghiệp đã chia sẻ công nghệ xử lý nước thải từ quá trình chế biến cà phê, công nghệ xử lý bã cà phê và vỏ cà phê; công nghệ xử lý khí thải và giảm phát thải carbon trong sản xuất cà phê giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra giá trị kinh tế từ các phụ phẩm, hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất cà phê.
Thảo luận tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng để ngành cà phê phát triển theo hướng thân thiện với môi trường và bền vững hơn trong tương lai cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động người dân trồng cà phê cần phải thu gom, phân loại và xử lý chất thải, đúng quy định; hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, hiệu quả. Hỗ trợ nông dân tăng cường ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM); sử dụng bẫy bả, thiên địch, các chế phẩm sinh học, sản xuất cà phê bền vững theo các tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, 4C, UTZ, Rainforest, chứng nhận hữu cơ, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn để thay thế, giảm thiểu sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Xây dựng chuyển giao công nghệ xử lý, tái chế phụ phẩm từ sản xuất cà phê thành các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như thực phẩm, nhiên liệu sinh học, đồ thủ công, mỹ nghệ,…
Phát biểu bế mạc tọa đàm, TS. Nguyễn Đức Hải Trưởng phòng Đào tạo huấn luyện Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng để tạo ra những chuyển biến tích cực về việc quản lý chất thải trong sản xuất cà phê góp phần xây dựng một ngành cà phê bền vững rất cần sự chung tay góp sức của tất cả các bên liên quan… Trung tâm Khuyến nông quốc gia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là Tổ chức GCP để xây dựng và triển khai các nội dung về truyền thông, đào tạo, tập huấn, xây dựng các quy trình nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng. Đây là lực lượng nòng cốt để hướng dẫn nông dân về sử dụng vật tư nông nghiệp đầu vào có trách nhiệm, quản lý và thu gom chất thải trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất cà phê nói riêng góp phần xây dựng ngành hàng cà phê bền vững và bảo vệ môi trường.
Thanh Huyền
Trung tâm Khuyến nông quốc gia