Các công cụ kỹ thuật số mới do FAO phát triển đang giúp nông dân ở Senegal dự đoán tốt hơn với các kiểu thời tiết và lượng mưa, giúp họ biết khi nào nên gieo trồng và thu hoạch.

Các chu kỳ mưa lịch sử ngày càng trở nên không đáng tin cậy do biến đổi khí hậu, làm đảo lộn cơ cấu cây trồng và mùa vụ thu hoạch. Anh Mamadou Drame ở Nioro, Senegal, người cha của bốn đứa con, giờ đây thay vì nhìn lên bầu trời để hiểu thời tiết và biết nên trồng cây gì thì anh lại nhìn vào màn hình điện thoại để theo dõi những đổi mới kỹ thuật số đã giúp anh tăng sản lượng lúa, ngô, kê và rau trong trang trại của mình. Những công cụ này cũng giúp anh tìm người mua và nhận thanh toán trên điện thoại.

Tháng 11 năm 2016, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) đã khởi động dự án: “Dịch vụ nông nghiệp và hòa nhập kỹ thuật số ở Châu Phi” (ASDIA), với nguồn tài trợ đóng góp tự nguyện linh hoạt. Mục tiêu chính của dự án là cung cấp cho nông dân thông tin theo thời gian thực về dự báo thời tiết, thực hành nông nghiệp tốt nhất, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, giá cả thị trường, sức khỏe và dinh dưỡng trực tiếp từ các ứng dụng được phát triển đặc biệt trên điện thoại di động.

Với ứng dụng “Thời tiết và lịch cây trồng”, nông dân có khả năng mới để dự đoán chính xác thời điểm bắt đầu và kết thúc mùa mưa, cũng như tần suất và lượng mưa dự kiến. Thông tin này cho phép họ chọn loại hạt giống và thời điểm phù hợp cho chu kỳ sản xuất, tránh được những thiệt hại thảm khốc thường xảy ra trong những năm khô hạn.

“Chúng tôi chưa bao giờ có loại thông tin này hoặc khả năng tiếp cận thị trường. Công cụ kỹ thuật số đã thay đổi hoàn toàn. Giờ đây, chúng tôi có thể lập kế hoạch, trồng trọt, thu hoạch, bán và kiếm tiền với mức độ an toàn mà chúng tôi chưa từng có,” Mamadou nói.

leftcenterrightdel
 Với việc sử dụng công nghệ số, Mamadou đã lấy lại được niềm tin trong sản xuất nông nghiệp


Số hóa nông nghiệp nông thôn

Trong 20 năm qua, điện thoại di động, một vật dụng nhỏ vừa vặn trong túi, đã cung cấp cho con người tất cả dữ liệu và thông tin cần thiết để đưa ra những quyết định sáng suốt trong hầu hết các tầng lớp xã hội. Ở các vùng nông thôn của Tây Phi, đặc biệt là trong nông nghiệp, tiềm năng này chưa được khai thác.

Chất lượng của cơ sở hạ tầng di động đã được cải thiện đáng kể trong khu vực với nhiều nơi đã áp dụng công nghệ di động. Tuy nhiên, những công cụ này vẫn chưa được nông dân sử dụng phổ biến trong quá trình sản xuất của họ.

Có rất nhiều cơ hội sử dụng trong nông nghiệp, chẳng hạn như tối đa hóa tác động của các dịch vụ tư vấn nông thôn hiện có, dịch vụ tài chính, chương trình bảo trợ xã hội và tiếp cận thị trường trực tiếp từ điện thoại di động cá nhân.

leftcenterrightdel
 Tại Senegal, FAO đã triển khai dự án ASDIA để hỗ trợ chiến lược nông nghiệp kỹ thuật số của Senegal, giúp các cán bộ khuyến nông tiếp cận với nhiều nông dân hơn trên các vùng lãnh thổ rộng lớn hơn để hiện đại hóa nền nông nghiệp địa phương

Tại Senegal, FAO đã triển khai dự án ASDIA để giúp hỗ trợ thực hiện chiến lược nông nghiệp kỹ thuật số của Cơ quan Hội đồng Nông nghiệp và Nông thôn Quốc gia Senegal (ANCAR), một cơ quan của Bộ Nông nghiệp. Mục tiêu của chương trình là tận dụng các công cụ kỹ thuật số để hiện đại hóa nông nghiệp địa phương và giúp các cán bộ khuyến nông tiếp cận nhiều nông dân hơn trên vùng lãnh thổ rộng lớn hơn.

Chương trình ASDIA của FAO đã đào tạo hơn 1.000 cán bộ khuyến nông ANCAR và các nhà lãnh đạo địa phương về 05 ứng dụng điện thoại liên quan đến sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Những cán bộ khuyến nông và nhà lãnh đạo này sau đó tiếp tục truyền đạt lại kiến thức học được cho nông dân.

 “Bây giờ chúng tôi biết khi nào nên trồng trọt. Với thông tin từ ASDIA, chúng tôi có thể điều chỉnh lịch trồng trọt của mình để đảm bảo rằng chúng tôi có lượng mưa tối ưu,” Mamadou nói.

Bảy năm kể từ khi ra mắt ASDIA, nông dân đã nhận thấy lợi ích của công nghệ này đối với các hoạt động nông nghiệp và cuộc sống của họ. Năng suất cây trồng được cải thiện, chi phí đầu vào ít hơn và tổn thất sau thu hoạch ít hơn.

Cơ hội số trong đại dịch

Vào giữa năm 2020, trong cuộc khủng hoảng COVID-19, FAO cũng đã giúp ANCAR xây dựng một nền tảng thương mại điện tử: “senlouma.org” để hỗ trợ khoảng 500 nông dân quy mô nhỏ của Senegal bán sản phẩm của họ. Đây là một phần của phản ứng nhanh chóng đối với các vấn đề tiếp thị và sự hư hỏng sản phẩm nông nghiệp do sự gián đoạn của đại dịch đối với chuỗi giá trị.

“Nền tảng này là một phao cứu sinh. Nó cho phép chúng tôi bán sản phẩm của mình ở đỉnh điểm của đại dịch mà không vi phạm các quy định trong phòng chống dịch COVID-19,” Mamadou nhớ lại.

Nền tảng này hiện có hơn 45 tổ chức nông dân đã đăng ký, với gần 4.000 người có thể bán sản phẩm của họ trực tuyến. ANCAR có kế hoạch sử dụng senlouma.org để kết nối các nhà sản xuất ở khu vực nông thôn với các nhà kinh doanh hạt giống, nhà cung cấp đầu vào, chuyên gia chế biến thực phẩm, nhà kinh doanh bảo hiểm, nhà bán buôn và tổ chức tài chính.

Cho đến nay, những người hưởng lợi từ vùng Saloum và Niaye đã khám phá ra thị trường mới và phát triển quan hệ đối tác trên khắp đất nước, đặc biệt là ở các vùng phía đông như Tambacounda và Kedougou, nơi sản xuất rau tương đối kém phát triển.

Nền tảng Senlouma cũng đã được chọn để đầu tư thêm kinh phí thông qua sáng kiến của Cơ quan Đại học Pháp ngữ hợp tác với Cơ quan Nghiên cứu Khoa học Ứng dụng Quốc gia Senegal. Điều này sẽ hỗ trợ những người thụ hưởng có được bằng sáng chế thương mại và mở rộng quy mô các sáng kiến của họ ở Benin, Burkina Faso, Senegal và Togo.

leftcenterrightdel
ASDIA là một phần của mô hình Senegal về Sáng kiến 1 000 Làng kỹ thuật số (DVI) do FAO dẫn đầu. DVI kết thúc quá trình chuyển đổi nông thôn thông qua số hóa nông nghiệp, tận dụng sự thay đổi mới lớn hơn để sản xuất tốt hơn 

Gia tăng các giải pháp kỹ thuật số

Tính đến tháng 8 năm 2022, Mamadou hiện là một trong số hơn 300.000 nông dân Senegal đã đăng ký với ASDIA để nhận các thông báo tư vấn bằng ngôn ngữ địa phương. Năm 2022, Ngân hàng Phát triển Châu Phi (AfDB) cũng đã huy động 1 triệu USD để triển khai ASDIA và các sáng kiến số hóa khác của FAO cho khu vực Casamance ở miền Nam Senegal và tài trợ cho việc phát triển các ứng dụng mới.

ASDIA là một phần của mô hình Senegal về sáng kiến 1.000 làng kỹ thuật số (DVI) do FAO dẫn đầu. DVI thúc đẩy quá trình chuyển đổi nông thôn thông qua số hóa nông nghiệp, giải quyết các nút thắt nông nghiệp và phi nông nghiệp, đồng thời thúc đẩy đổi mới nhiều hơn để sản xuất tốt hơn. DVI đặt nông dân quy mô nhỏ vào trung tâm của cuộc chiến chống đói nghèo và bất bình đẳng. Senegal là một trong chín quốc gia Châu Phi và nhiều quốc gia trên toàn thế giới tham gia DVI.

Mai Anh

(Theo FAO)