Nhện gié có tên khoa học là Steneotarsonemus Spinki smiley, xuất hiện hầu hết ở khắp các địa phương và gây hại đáng quan tâm, theo dõi.
Mục đích của đề tài là nghiên cứu, lựa chọn thuốc BVTV có hiệu quả nhất đối với việc phòng trừ nhện gié. Theo đó, đề tài thử nghiệm với 4 loại thuốc BVTV thông dụng hiện có trên thị trường: Thuốc Dy lan 25 EC (có hoạt chất Ambametia); Kinalux 25 EC (hoạt chất Quinaphos); Comite 73EC (hoạt chất Progargite) và thuốc Abatimec 3,6 EC (có hoạt chất abamectin )…
Giống được chọn là giống lúa Khang dân nguyên chủng; Trạm theo dõi từ giai đoạn làm đất gieo mạ, đến chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh đến nay. Diện tích được chọn gồm 6 thửa của 6 hộ với tổng diện tích 2.000 m2, được chia thành 6 lô, và tiến hành thử nghiệm theo 5 công thức khác nhau, trong đó: 4 công thức theo tên 4 loại thuốc BVTV nêu trên; công thức 5 không phun thuốc BVTV và 01 công thức dự phòng…
Trước khi phun, nhóm nghiên cứu tiến hành thăm đồng, điều tra và thấy lúa bị nhiễm nhện gié chiếm tới mật độ 3.000 con/m2. Sau đó, nhóm nghiên cứu hướng dẫn bà con phun phòng trừ bằng các loại thuốc đã định. Sau 3 ngày, điều tra và đánh giá kết quả của thuốc BVTV. Theo quan sát ban đầu của bà con và các nhà chuyên môn, thì sau ba ngày phun thuốc không thấy lúa có dấu hiệu bị đen thân, và đánh giá kết quả ban đầu là tốt.
Kỹ sư Nguyễn Thường Tín - Chi cục BVTV tỉnh, thành viên nhóm đề tài cho biết: “Tại mỗi ruộng, mỗi công thức được lấy mẫu xác xuất rồi về nghiên cứu tại phòng thí nghiệm để đánh giá tỷ lệ trứng, xác và nhện gié, sau đó so sánh đối chiếu mới làm báo cáo”.
Đây là đề tài nghiên cứu khoa học cấp cấp tỉnh để khảo sát chất lượng thuốc BVTV hiện có trên địa bàn, từ đó tỉnh sẽ có phương án tăng cường công tác thanh kiểm tra thuốc BVTV và triển khai công tác bảo vệ thực vật trên địa bàn, nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Trên thực tế, người dân thường nhầm lẫn loại bệnh gây ra do loài nhện gié này với các loại bệnh khác. Nhện gié rất nhỏ, bằng mắt thường rất khó phát hiện. Nhện thường sống trong bẹ lá lúa, gây hại bằng cách chích hút nhựa cây để lại nhiều sọc dài màu nâu tím bên ngoài bẹ lá, các sọc này rất giống với vết cạo gió của người bị cảm nên có nơi gọi là bệnh cạo gió.
Theo kỹ sư Nguyễn Thành Đài – Phó Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Gia Bình, khi mật số cao chúng bò lên bông lúa và chích hút cuống bông, cuống gié và bông lúa trước khi trỗ. Khi lúa làm đòng nếu bị nặng bông lúa sẽ thiếu dinh dưỡng dẫn đến hạt bị lép, bông thẳng đứng rất dễ nhận biết. Sự gây hại của nhện gié còn tạo ra các vết thương cơ giới, là điều kiện thuận lợi cho một số loài nấm, vi khuẩn xâm nhập, phát triển và gây hại, như nấm Sarocladium oryzae, có thể gây bệnh thối bẹ. Ở những ruộng bị nhện gié gây hại nặng tỷ lệ gạo thành phẩm thấp hơn bình thường. Trên các giống lúa khác nhau thì mức độ gây hại và mật độ nhện cũng khác nhau.
Nhện gié phát triển thích hợp trong thời tiết nóng và khô. Việc bà con nông dân sử dụng nhiều thuốc trừ sâu ở đầu vụ làm giảm mật số thiên địch trên đồng ruộng, gieo cấy mật độ quá dày, bón thừa phân đạm cũng là những nguyên nhân làm nhện gié bộc phát thành dịch.
Theo khuyến cáo của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Gia Bình, để phòng trị nhện gié đạt hiệu quả, bà con có thể áp dụng các biện pháp tổng hợp như sau:
Sau khi thu hoạch lúa, rải rơm đốt đồng trước khi làm đất với những vùng thường xuyên bị nhện gié gây hại. Cày ải phơi đất, vệ sinh đồng ruộng, diệt hết các lúa gốc; Dọn cỏ xung quanh ruộng lúa, rắc vôi bột khử trùng, khử nấm, diệt ký chủ và mầm mống của nhện; Gieo cấy đúng qui trình kỹ thuật, không quá dầy, cách ly thời vụ ít nhất 3 tuần, bón phân cân đối, luôn giữ đủ mực nước cần thiết không để ruộng bị khô; Bảo vệ thiên địch trong ruộng lúa, đặc biệt là một số nhện bắt mồi và ong ký sinh có khả năng kiềm chế mật số nhện gié. Nhện xuất hiện nhiều ở giai đoạn bắt đầu làm đòng đến trỗ, vì vậy cần phát hiện sớm, phun thuốc trừ ngay từ thế hệ đầu tiên mới có hiệu quả cao.
Có thể sử dụng một số thuốc hóa học đặc trị nhện gié như: Dy lan 25 EC; Nissom; Kumu lus; Kinalux 25 EC; Comite 73EC, Ambatimec 3,6 EC…
Thiên Đức – Đài PT Gia Bình