Theo thông tin từ Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng huyện Kỳ Anh (gọi tắt là Trung tâm), ngày 14/9, 3 con bò của gia đình ông Hoàng Nhật Cường (thôn Kim Sơn, xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh) có biểu hiện kém ăn và di chuyển chậm chạp. Sau khi nhận được thông tin, cán bộ Trung tâm xuống kiểm tra và phát hiện vật nuôi bị nhiễm bệnh LMLM.

 

Từ đó đến nay, bệnh LMLM liên tiếp lây lan rộng tại huyện Kỳ Anh làm chết gia súc, gây thiệt hại cho người chăn nuôi và ảnh hưởng đến sản xuất. Theo đó, đã có 7 thôn thuộc 4 xã (Kỳ Bắc, Kỳ Giang, Kỳ Đồng và Kỳ Khang) có ổ dịch với số gia súc mắc bệnh 56 con của 30 hộ gia đình (8 con trâu, 48 con bò), trong đó có 6 con bò mắc bệnh chết, buộc tiêu hủy với khối lượng 1.380 kg.

leftcenterrightdel
UBND huyện Kỳ Anh đã công bố dịch LMLM trên trâu, bò tại địa bàn các xã Kỳ Bắc, Kỳ Giang, Kỳ Đồng và Kỳ Khang 

Nhận định về nguyên nhân, giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và BVCTVN huyện Kỳ Anh Nguyễn Văn Thái cho rằng: Ca bệnh đầu tiên phát sinh tại xã Kỳ Bắc, sau đó là tại các xã Kỳ Giang, Kỳ Đồng và Kỳ Khang, đây là địa bàn có ổ dịch cũ, vi rút gây bệnh LMLM tồn tại, phát tán trong môi trường tự nhiên. Thời điểm này, đã thu hoạch xong cây trồng vụ Hè Thu, đàn trâu bò chăn thả tự do trên các cánh đồng. Mặt khác, thời tiết chuyển mùa, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh và phát sinh và lây lan.

 

Mặt khác, hộ chăn nuôi trâu bò chủ yếu theo hình thức nông hộ nhỏ lẻ nên việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học khó thực hiện, chuồng trại không đảm bảo vệ sinh. Người chăn nuôi còn chủ quan, thả rông tối không đưa trâu bò về chuồng dẫn đến phát hiện trâu bò bị ốm muộn, khi phát hiện không báo cáo kịp thời, tự mua thuốc về điều trị, đến khi bệnh diễn biến nặng mới báo cáo. Vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng và chăm sóc, điều trị gia súc ốm không theo hướng dẫn của ngành chuyên môn.

 

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, UBND huyện Kỳ Anh đã quyết định công bố dịch đối với bệnh LMLM trên trâu, bò tại địa bàn các xã Kỳ Bắc, Kỳ Giang, Kỳ Đồng và Kỳ Khang; vùng bị uy hiếp là các xã Kỳ Phong, Kỳ Xuân, Kỳ Tiến, Kỳ Phú, Kỳ Thọ, Kỳ Trung. Đồng thời, yêu cầu các địa phương chủ động bố trí kế hoạch, đẩy nhanh công tác tiêm phòng vắc xin trên gia súc, gia cầm.

 

Ông Nguyễn Văn Thái - giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và BVCRTVN huyện Kỳ Anh cho biết: “Trước diễn biến phức tạp của dịch LMLM, huyện ưu tiên tập trung nguồn lực cho việc tiêm phòng vắc xin LMLM, tụ huyết trùng (THT) trên trâu, bò trước. Đến nay, toàn huyện đã tiêm 6.819 liều vắc xin LMLM trên trâu, bò (đạt 72,6% KH), 6.515 liều vắc xin THT trên trâu, bò (đạt 69,4% KH). Đồng thời, phấn đấu đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ, đúng loại vắc xin tại thời điểm tiêm phòng, hoàn thành trước ngày 30/10/2024 theo Kế hoạch số 491/KH-UBND ngày 9/11/2023 của UBND tỉnh”.

 

Hà Tĩnh hiện có gần 2 triệu con gia cầm, hơn 102.000 con trâu bò, hơn 174.000 con lợn thuộc diện phải tiêm phòng đợt 2 năm 2024. Chi cục đã cung ứng 60.000 liều vắc xin THT trâu, bò; hơn 79.000 liều vắc xin LMLM trâu, bò; hơn 7.700 liều vắc xin dịch tả lợn, 7.700 liều vắc xin THT lợn; gần 90.000 liều vắc xin cúm gia cầm.

leftcenterrightdel
Tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc trên địa bàn tỉnh 

 

Tuy nhiên, theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đến nay, toàn tỉnh mới tiêm vắc xin LMLM trâu, bò đạt 45%; THT trâu, bò đạt 40%; dịch tả lợn trên 12,5 %; THT lợn hơn 15%; cúm gia cầm chỉ đạt gần 16%. Một số địa phương có tỷ lệ tiêm phòng còn thấp như: Nghi Xuân, Hương Sơn, TX Kỳ Anh…

 

Trước sự xuất hiện ổ dịch LMLM tại huyện Kỳ Anh và diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành công điện số 17/CĐ-UBNT ngày 15/10/2024 về việc triển khai thực hiện các biện pháp khẩn cấp phòng, chống bệnh LMLM và tiêm phòng đợt 2 năm 2024.

 

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành chức năng khẩn cấp tổ chức, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh lở mồm long móng; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi đợt 2 năm 2024.

 

Cụ thể: Đối với huyện Kỳ Anh là địa phương đang có ổ dịch lở mồm long móng trên đàn trâu bò khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình, diễn biến, công bố dịch bệnh và tập trung các nguồn lực, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch lây lan diện rộng.

 

Đối với các huyện, thành phố, thị xã khác tổ chức kiểm tra, rà soát dịch bệnh gia súc, gia cầm trên toàn địa bàn đảm bảo phát hiện sớm, xử lý kịp thời, đúng quy định.

 

Khẩn trương tổ chức, triển khai và đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng bệnh đợt 2 năm 2024 cho đàn vật nuôi; đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ, đúng loại vắc xin tại thời điểm tiêm phòng, hoàn thành trước ngày 30/10/2024.

Nguyễn Hoàn

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh