Tại huyện Thông Nông, cây tam thất Bắc đã đưa về trồng tại xóm Tặc Té (xã Thanh Long) và xóm Khao Hạ, Choọc Mòn (xã Yên Sơn) từ năm 1972, với diện tích 2,5 ha. Ban đầu, Nhà nước đầu tư và giao cho Hợp tác xã xã Thanh Long thực hiện, giống được nhập từ huyện Nà Po (Trung Quốc) và có chuyên gia người Trung Quốc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trồng. Trong quá trình thực hiện, cây tam thất sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng tại địa phương. Tam thất Thông Nông được người dân trong và ngoài tỉnh rất ưa chuộng vì chất lượng tốt hơn trồng ở các vùng khác, chính vì vậy toàn bộ sản phẩm được Công ty dược Việt Nam bao tiêu từ củ, hoa, thân, rễ, lá. Những năm đó, 1 kg củ tam thất loại 1 (dưới 20 củ/1kg) tương đương với 1 tấn gạo, loại 2 (20- 30 củ/kg) tương đương với 8 tạ gạo. Như vậy, có thể khẳng định tam thất Bắc là cây dược liệu có giá trị kinh tế cao.
Đến năm 1990, sau khi Hợp tác xã giải thể, diện tích tam thất trồng tại xã Thanh Long được giao cho một số hộ quản lý, tuy nhiên trong quá trình thực hiện đã không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật cũng như việc đầu tư vốn nên diện tích trồng ít dần đi và đến nay là gần như không còn. Trước tình hình trên, nhiều người dân nơi đây muốn khôi phục lại cây tam thất trên địa bàn nhưng việc thực hiện rất khó khăn do đòi hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc và vốn đầu tư cho loại cây dược liệu này khá cao. Chị Nông Thị Nga- nay là Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện đã nhiều đêm trăn trở: Nhận thấy xã Thanh Long là vùng đất có lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, rất thích hợp với việc trồng, phát triển cây tam thất. Năm 2019, chị đã mạnh dạn đề xuất với Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng thực hiện đề tài "Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và phát triển cây tam thất tại huyện Thông Nông". Đề tài đã được Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng phê duyệt và triển khai thực hiện. Kinh phí được hỗ trợ từ Ngân sách sự nghiệp khoa học là trên 729 triệu đồng.
Chị Nga cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng mô hình trồng tam thất tại xóm Tặc Té, xã Thanh Long với diện tích 1.000m2. Mô hình được thực hiện toàn bộ trong nhà lưới, có mái che, lưới bảo vệ xung quanh. Thời gian trồng từ tháng 2/2019 với trên 20.000 cây, tỷ lệ mọc đạt 95 %. Qua theo dõi và đánh giá, cây sinh trưởng, phát triển khá tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên tại xóm Tặc Té, xã Thanh Long; về chiều cao, số lá của cây tam thất đảm bảo tiêu chuẩn quy định. Đến tháng 7/2019, cây bắt đầu có hoa. Như vậy chu kỳ sống của cây hai năm đầu được đánh giá là phù hợp và có thể phát triển nhân ra diện rộng”.
Mô hình trồng cây tam thất tại xóm Tắc Té, xã Thanh Long, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng
Với thành công ban đầu, mô hình trồng cây tam thất đã đem lại nhiều cảm hứng, mong muốn được khởi nghiệp, ước tính 03 năm nữa với những tiềm năng về kinh tế sẽ thu lại hàng tỷ đồng trên mảnh đất nơi đây.
Chị Hoàng Thị Yến – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Long chia sẻ: “Bà con nơi đây cuộc sống còn rất nghèo, các hộ gia đình chỉ chông chờ vào mấy sào ruộng trồng ngô và lúa, quanh năm vất vả, thu nhập bấp bênh không ổn định. Nay tôi thấy mô hình trồng cây tam thất đang là hướng đi đúng và cần khôi phục lại để nhân dân bớt khổ, có thể làm giàu trên mảnh đất của mình. Qua đây cũng mong muốn có thêm nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước để người nông dân có cơ hội làm giàu, thoát nghèo, ổn định cuộc sống từ cây tam thất”.
Để cây tam thất thực sự trở thành cây giảm nghèo, trong thời gian tới, chính quyền địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng cây tam thất. Đồng thời các cấp, các ngành cần quan tâm, có những chính sách hỗ trợ về vốn để tạo điều kiện cho bà con mở rộng sản xuất, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến tam thất, tìm đối tác ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm cho bà con.
Minh Mến - Ánh Hồng
Hội Nhà báo tỉnh Bắc Kạn