Trương Văn Hùng (diepxuan12@gmail.com)

Đáp:

Theo câu hỏi và mô tả của khán giả thì ruộng ngô bị BỆNH LÙN SỌC ĐEN HẠI NGÔ. Xin được cung cấp thông tin đến khan giả như sau:

TRIỆU CHỨNG 

Cây ngô bị bệnh có biểu hiện chung là cây thấp lùn, lá ngọn xoăn, lá có màu xanh đậm hơn bình thường, phiến lá dày, một số cây mọc thêm chồi phụ.

Từ giai đoạn 4-6 lá, cây bệnh có u sáp sần sùi trên đốt thân, dọc gân ở mặt sau lá, cổ lá xếp xít nhau và xoè ngang. Bị bệnh nặng cây không ra bắp, nhẹ hơn thì có bắp nhưng hạt thưa và nhỏ.

Tác nhân gây bệnh: Do vi rút gây bệnh lùn sọc đen phương Nam gây ra, vi rút này thuộc nhóm Fijivirus-2, họ Reoviridae. Rầy lưng trắng (Sogatella furcifera) là môi giới truyền bệnh này.  

Cơ chế lan truyền bệnh: Rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh lùn sọc đen từ lúa sang ngô và ngược lại. Cả rầy non và rầy trưởng thành đều truyền bệnh nhưng không truyền qua trứng rầy. Bệnh không truyền qua hạt giống ngô, không truyền qua đất và tiếp xúc giữa cây bệnh và cây khỏe.

Mầm bệnh trên đồng ruộng: Ngoài lúa và ngô, bệnh còn gây hại trên cỏ lồng vực, cỏ chát, cỏ đuôi phụng, các cây này cũng là ký chủ của rầy lưng trắng và là nguồn mang vi rút để rầy lưng trắng truyền sang lúa, ngô. Bệnh cũng có thể lưu tồn trên lúa chét, tàn dư thực vật của cây ngô từ những cây bị bệnh trước đó.

CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ BỆNH

1. Vệ sinh đồng ruộng: 

Trên những diện tích ngô trồng tại đất 2 vụ lúa và một số chân đất ngô hè thu vụ trước đã xuất hiện bệnh: Sau khi thu hoạch lúa cần vùi gốc rạ ngay để diệt lúa chét, lúa tái sinh; dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước.

Tiêu hủy tàn dư thực vật từ cây ngô để tiêu diệt triệt để mầm bệnh.

2. Phòng ngừa rầy lưng trắng môi giới truyền bệnh:

Tăng cường công tác điều tra đồng ruộng, kết hợp với theo dõi bẫy đèn để xác định quy luật và dự báo rầy di trú, lấy mẫu xét nghiệm nguồn rầy mang vi rút để có biện pháp phòng trừ môi giới truyền bệnh nhanh, hiệu quả;

- Thực hiện che phủ bằng lưới mắt nhỏ để che chắn rầy khi làm ngô bầu; làm cách xa những ruộng đang có nguồn bệnh hoặc trên đất vụ trước đã bị bệnh;

- Phát hiện, phòng trừ kịp thời môi giới truyền bệnh, đặc biệt trên những diện tích ngô trồng trong khu vực đã xuất hiện bệnh vụ trước (kể cả lúa hoặc ngô).

- Xử lý hạt giống trư­ớc khi gieo bằng các thuốc xử lý hạt Cruiser plus 312,5FS hoặc những thuốc trong Danh mục thuốc BVTV đư­ợc phép sử dụng tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và PTNT qui định hàng năm.  

 3. Các biện pháp canh tác:

- Hạn chế gieo trồng những giống ngô đã xác định bị bệnh hại nặng, sử dụng các giống kháng (chống chịu) rầy hoặc ít nhiễm rầy;

- Đảm bảo mật độ, khoảng cách trồng hợp lý theo quy định của từng loại giống; bón phân cân đối để giúp cây trồng sinh trưởng phát triển khoẻ, tăng sức chống chịu, tăng cường bón phân hữu cơ đã hoai mục, phân hữu cơ vi sinh.

- Ở những diện tích ngô thường xuyên nhiễm bệnh nặng, cần luân canh, thay thế bằng cây đậu tương hoặc cây trồng khác.

4. Các biện pháp trừ bệnh

a. Trừ bệnh (nhổ bỏ những cây bệnh) khi ngô xuất hiện bệnh

- Thường xuyên kiểm tra trên các diện tích ngô để kịp thời phát hiện và tiêu hủy kịp thời những cây ngô bị bệnh, nếu cây ngô dưới 5 lá có thể chắm dặm lại bằng những cây ngô khoẻ dự phòng trên ruộng

- Khi phát hiện rầy lưng trắng, căn cứ vào tuổi, pha phát dục của rầy và điều kiện cụ thể của địa phương mà chỉ đạo phun thuốc chống lột xác, thuốc nội hấp hay tiếp xúc trên diện tích ngô bị bệnh và các diện tích xung quanh bằng các loại thuốc do cơ quan Bảo vệ thực vật (BVTV) khuyến cáo.

b. Tiêu huỷ những diện tích ngô bị bệnh:

Những diện tích ngô bị bệnh nặng, cần tiến hành tiêu hủy cả ruộng bằng cách chặt bỏ, thu gom tàn dư cây bệnh; trước khi tiêu hủy phun thuốc trừ rầy bằng các loại thuốc tiếp xúc, nếu có rầy lưng trắng. Tiến hành gieo trồng thay thế bằng cây trồng khác nếu thời vụ cho phép.

Hoàng Văn Hồng

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia