Đó là các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ, Thủ Thừa và thị xã Kiến Tường với tổng diện tích là 125.000 ha. Giai đoạn 1 được thực hiện từ năm 2024 - 2025, xây dựng 32 mô hình với tổng diện tích là 595 ha và nhân rộng với tổng diện tích là 58.390 ha.
Để Đề án trên địa bàn tỉnh Long An có thể triển khai thuận lợi và nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, ngành nông nghiệp của tỉnh đã tổ chức Lễ khởi động và chuỗi sự kiện nhằm truyền thông và hướng dẫn kỹ thuật bước đầu cho nông dân theo nội dung của Đề án. Trong đó, năm 2024, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An (Trung tâm) đã tổ chức 2 cuộc hội thảo chuyên đề tại 2 trại trực thuộc (Trại Nghiên cứu và Dịch vụ nông nghiệp Đồng Tháp Mười, Trại Nghiên cứu và Dịch vụ nông nghiệp Hòa Phú) tuyên truyền về mục tiêu, nội dung của Đề án và kế hoạch thực hiện của tỉnh Long An giai đoạn đầu với hơn 200 lượt người tham dự. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã phối hợp với Liên hiệp Các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh tổ chức hội thảo “Giải pháp ứng dụng công nghệ trong thực hiện chương trình canh tác lúa bền vững, giảm phát thải khí nhà kính” nhằm phổ biến các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ số phục vụ thực hiện Đề án. Ngoài ra, Trung tâm đang triển khai tổ chức 10 lớp tập huấn về quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại 4 huyện Thủ Thừa, Đức Huệ, Tân Thạnh và Mộc Hóa với gần 400 lượt đại biểu là thành viên của các Hợp tác xã tham gia Đề án và nông dân tham dự.
Mặc dù Long An không thuộc 05 tỉnh thực hiện mô hình thí điểm triển khai thực hiện Đề án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng tỉnh cũng xây dựng kế hoạch và triển khai 08 mô hình trong vụ Thu Đông 2024, vụ Đông Xuân 2024 - 2025 để đánh giá, rút kinh nghiệm, cũng như xây dựng lộ trình nhân rộng. Do đó, việc tổ chức các lớp tập huấn này giúp chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp trên cây lúa cho nông dân tham gia Đề án hiểu được các giải pháp kỹ thuật cần áp dụng khi tham gia như: sử dụng giống xác nhận; áp dụng quản lý tưới ngập khô xen kẽ (AWD); áp dụng bón phân chuyên biệt (SSNM),... đặc biệt là việc khai thác và tận dụng nguồn rơm sau thu hoạch (không đốt rơm rạ) nhằm đem lại hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.
Song song đó, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh cũng đã tổ chức tuyên truyền Đề án với nhiều nội dung như tổ chức Lễ phát động triển khai Đề án tại huyện Thạnh Hóa, tổ chức lớp tập huấn T.o.T cho cán bộ kỹ thuật, xây dựng sổ tay hướng dẫn quy trình kỹ thuật và tổ chức lớp tập huấn cho nông dân trong vùng Đề án,… Các hoạt động đã được truyền thông rộng rãi và nhận được sự quan tâm của người dân trong địa bàn tỉnh.
Là Đề án trọng tâm của ngành nông nghiệp trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 nên việc tuyên truyền, hướng dẫn cho người sản xuất lúa hiểu cũng như thực hiện theo quy trình kỹ thuật mà Đề án đã đề ra là hết sức quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu nâng cao năng suất, giảm phát thải và hướng đến nền nông nghiệp tăng trưởng xanh, bền vững./.
Hiếu Dân
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An