Nâng cao chất lượng sản phẩm
Đến nay, hai sản phẩm là Nước mắm Phú Yên và Bánh tráng Phú Yên đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng đăng ký nhãn hiệu tập thể. Nhãn hiệu nước mắm Phú Yên trao cho các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất nước mắm thuộc thành viên Hội nghề cá Phú Yên. Chỉ riêng tại khu vực Gành Đỏ thuộc thị xã Sông Cầu có gần 50 hộ chuyên chế biến nước mắm chất lượng, mỗi năm sản xuất không dưới 2 triệu lít với những thương hiệu có tiếng trên thị trường như nước mắm: Bà Mười, Ông Già, Thanh Hương… Với bánh tráng Phú Yên, đầu tháng 4 vừa qua, thông qua sự tài trợ của tổ chức JBIC và do Liên minh HTX Phú Yên thực hiện, bước đầu đã công nhận và trao giấy chứng nhận nhãn hiệu bánh tráng Phú Yên cho 40 hộ ở các làng nghề Đông Bình (huyện Phú Hòa), Hòa Đa (huyện Tuy An), Mỹ Lệ (huyện Tây Hòa) và Bình Thạnh (thị xã Sông Cầu). Liên minh HTX Phú Yên đang tiếp tục kiểm tra để cấp giấy chứng nhận cho 700 hộ sản xuất bánh tráng đạt tiêu chuẩn.
Làng nghề bánh tráng Đông Bình (xã Hòa An, huyện Phú Hòa) đã được UBND tỉnh Phú Yên ra quyết định thành lập Hiệp hội bánh tráng Đông Bình và bước đầu có 10 trong số 120 hộ được cấp giấy chứng nhận bánh tráng Phú Yên. Hiện nay, mỗi ngày, một lò sản xuất bánh tráng thủ công ở Đông Bình đưa ra thị trường khoảng 2.000 chiếc, đặc biệt vào dịp Tết sản lượng tăng gấp rưỡi vẫn không đủ bán. Sản phẩm bánh tráng của Đông Bình đã được tiêu thụ ngoài tỉnh như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Định..
Từ nhiều nguồn vốn, những năm qua các làng nghề ở tỉnh Phú Yên được hỗ trợ gần 6 tỷ đồng để thực hiện hàng chục dự án bao gồm các hoạt động đào tạo nghề, tạo sản phẩm mới, xây dựng và quảng bá thương hiệu, tìm thị trường tiêu thụ… Từ sản xuất thủ công là chính, những hộ có điều kiện đã mạnh dạn thay đổi công nghệ nhằm nâng cao chất lượng và tăng số lượng sản phẩm. Như ở Đông Bình, một số hộ đã đầu tư thiết bị tráng bánh bán tự động với kinh phí khoảng 150 triệu đồng. Với công nghệ này, mỗi ngày sản xuất 10.000 chiếc, gấp 5 lần so với làm thủ công. Làng nghề sản xuất chiếu cói Phú Tân (xã An Cư, huyện Tuy An) có 43 hộ được giúp đỡ vay vốn ưu đãi sản xuất nên đã đầu tư mua máy dệt, máy may bìa và cải tiến mẫu mã nên chất lượng tốt, mỗi chiếc chiếu tăng thêm từ 10 nghìn đến 12 nghìn đồng so với mẫu cũ, đồng thời sản lượng tăng 40% so với trước và được tiêu thụ ra ngoài tỉnh như Bình Định, Đắc Lắc, Kon Tum, Khánh Hòa…. Một trong những người có công phát triển nghề chiếu cói Phú Tân là chị Nguyễn Thị Kim Phương cùng 5 người khác đứng ra thành lập tổ sản xuất chiếu, cùng nhau góp vốn đầu tư 11 máy dệt chiếu, máy may bìa. Tổ sản xuất thu hút 30 lao động có mức thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng; mỗi tháng đưa ra thị trường 5.000 chiếc chiếu các loại với doanh thu 300 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 32 triệu đồng. Ngoài ra, cũng có số ít sản phẩm thúng chai của một số làng nghề thuộc huyện Tuy An lần đầu được xuất khẩu sang Thái Lan….
Phát triển làng nghề theo hướng sản xuất hàng hóa
Để làng nghề phát triển, trên cơ sở quy hoạch ngành nghề nông thôn từ nay đến 2015, UBND tỉnh Phú Yên tiến hành sắp xếp lại các nghề truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa; chọn một số làng nghề kết hợp với mở các tuor du lịch như các tuyến ven biển phát triển các làng nghề truyền thống gắn với khám phá bản sắc dân tộc như hò bá trạo, hát bài chòi và khuyến khích người dân làm hàng mỹ nghệ từ vỏ hải sản, du lịch ẩm thực. Tương tự vùng miền núi cùng với giới thiệu các hoạt động văn hóa lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số là phát triển các nghề làm đá cảnh, gỗ lũa, mây tre đan… Tỉnh Phú Yên cũng quy hoạch phát triển mạnh 5 dự án xây dựng mô hình làng nghề hoạt động theo mô hình kinh tế hợp tác gồm: đan đát Vinh Ba, bánh tráng Đông Bình, gốm Hòa Vinh, dệt chiếu cói Phú Tân, nước mắm và phơi sấy cá cơm ở Xuân Hòa. Ngoài ra, còn có 2 dự án khác là khôi phục làng nghề gốm đất nung Quảng Đức và Hòa Quang Bắc trên cơ sở cải tiến công nghệ, thu hút nhiều hộ tham gia, tăng chất lượng và số lượng sản phẩm…
Cùng với công tác quy hoạch, năm 2011 tỉnh Phú Yên cũng đã đưa ra chương trình đào tạo nghề nông thôn với mục tiêu đến năm 2015 đào tạo 52.000 lao động và 70% lao động có việc làm sau khi học nghề. Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Phú Yên đầu tư kinh phí từ nhiều nguồn gần 263 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ cho người học nghề gần 69 tỷ đồng từ ngân sách địa phương./.
TL