Sau hơn 02 năm thực hiện Quyết định số 1094/QĐ-BNN-KN ngày 25/3/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt Đề án: Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình Tổ khuyến nông cộng đồng, tỉnh Đắk Nông luôn xác định việc thành lập và hoạt động của Tổ Khuyến nông cộng đồng gắn với vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn đóng vai trò rất quan trọng, giúp hỗ trợ, định hướng cho Hợp tác xã, người dân trong việc sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn, liên kết đầu ra cho sản phẩm cà phê, nâng cao chất lượng và giá trị cà phê, từ đó tạo sự ổn định và nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung tại địa phương.

Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông, lâm nghiệp tỉnh đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT thành lập 02 Tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm theo Đề án tại xã Đắk R’Moan, TP. Gia Nghĩa và xã Nam Bình, huyện Đắk Song với 05 thành viên/Tổ. Trong đó có 01 tổ trưởng, 01 tổ phó và 03 thành viên tham gia là các cán bộ khuyến nông cấp tỉnh, cán bộ Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp cấp huyện, lãnh đạo UBND cấp xã (cán bộ địa chính nông nghiệp), thành viên hợp tác xã trên địa bàn. Với sự quan tâm của các cấp đã cử thành viên các Tổ KNCĐ là những cán bộ phụ trách lĩnh vực nông nghiệp, có nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động tư vấn về kỹ thuật nông nghiệp tại địa phương, có đủ khả năng để thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của Tổ, đáp ứng tốt cho việc thực hiện các nhiệm vụ của Tổ. Nhằm giúp cho các Tổ KNCĐ hoạt động có hiệu quả và thực hiện các nhiệm vụ theo đúng quy định, ngay từ khi thành lập Tổ KNCĐ đã xây dựng quy chế hoạt động và được Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh ban hành Quyết định thông qua, từ đó các Tổ có căn cứ để thực hiện nhiệm vụ. Hiện nay, các Tổ KNCĐ theo đề án đã được UBND xã bố trí phòng làm việc riêng, và được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ 01 máy tính và 01 điện thoại di động, đảm bảo cho quá trình tổ chức các hoạt động của Tổ.

Từ khi thành lập đến nay, các Tổ KNCĐ theo đề án đã thực hiện được một số nhiệm vụ như: tư vấn, hỗ trợ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp áp dụng quy trình sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm và đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường; tư vấn, tập huấn về các kỹ thuật, công nghệ, quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện sản xuất và nhu cầu của nông dân trên địa bàn; Tổ KNCĐ xã Nam Bình đã tạo cầu nối giúp Công ty TNHH Vĩnh Hiệp và các Hợp tác xã sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh ký kết hợp tác sản xuất, thu mua bao tiêu sản phẩm nhằm nâng cao giá trị ngành hàng cà phê tại tỉnh Đắk Nông; Tổ KNCĐ xã Đắk R’Moan đã tạo cầu nối giúp các Hợp tác xã sản xuất cà phê trên địa bàn ký kết hợp tác sản xuất, thu mua bao tiêu sản phẩm nhằm nâng cao giá trị ngành hàng cà phê tại tỉnh Đắk Nông; Giúp công ty TNHH một thành viên cà phê Bazan Đắk Nông và các Hợp tác xã sản xuất cà phê trên địa bàn ký kết hợp tác sản xuất, thu mua bao tiêu sản phẩm nhằm nâng cao giá trị ngành hàng cà phê tại tỉnh Đắk Nông.

leftcenterrightdel
Chương trình Tọa đàm tham vấn xin ý kiến xây dựng Quy chế hoạt động Tổ KNCĐ tại tỉnh Đắk Nông 

Bên cạnh việc thành lập các Tổ KNCĐ theo Đề án, từ sự chỉ đạo và quan tâm của các cấp, ngành, đến nay trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã thành lập thêm 31 Tổ KNCĐ mở rộng với hơn 310 thành viên tham gia (gồm: Lãnh đạo UBND cấp xã, cán bộ Địa chính – nông nghiệp, Nhân viên Thúy y – Khuyến nông và các tổ chức đoàn thể cấp xã; Thôn trưởng, Chi hội Nông dân các thôn; Thành viên các Hợp tác xã và nông dân có nhu cầu tham gia tại xã). Các Tổ sau khi thành lập cũng đã xây dựng quy chế hoạt động đảm bảo thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Tổ. Tuy nhiên, hiện tại các Tổ KNCĐ chưa nhận được nhiều sự quan tâm hỗ trợ trong quá trình hoạt động, đa số các Tổ chưa được bố trí phòng làm việc và trang thiết bị phục vụ cho quá trình hoạt động. Các thành viên của Tổ hoạt động kiêm nhiệm, lồng ghép sử dụng các trang thiết bị của UBND xã, Hội Nông dân phục vụ các hoạt động của Tổ. Nhằm hỗ trợ về cơ sở vật chất và kinh phí cho hỗ trợ cho hoạt động của các Tổ, Sở Nông nghiệp và PTNN tỉnh Đắk Nông đang tham mưu xây dựng Nghị quyết Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông (có nội dung hỗ trợ trang thiết bị cho các Tổ KNCĐ). Tuy nhiên, Nghị quyết đang trong quá trình Dự thảo và lấy ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan trước khi trình ban hành. Do đó, thành viên các Tổ KNCĐ đang hoạt động trên tinh thần tự nguyện, chưa nhận được sự hỗ trợ về kinh phí và trang thiết bị hoạt động.

Dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình thành lập và hoạt động, nhưng các Tổ KNCĐ bước đầu cũng đã phát huy được vai trò, thực hiện được một số nhiệm vụ như: Tư vấn về kỹ thuật nông nghiệp cho các hộ dân, hợp tác xã trên địa bàn; tham gia hỗ trợ trong các hoạt động tập huấn do các đơn vị tổ chức tại địa phương; là đầu mối giúp một số hợp tác xã, doanh nghiệp liên kết với người dân trong quá trình thu mua bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, Tổ KNCĐ thường xuyên phối hợp cùng Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông, lâm nghiệp tỉnh tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp tại địa phương. Một số Tổ KNCĐ đã có các hoạt động nổi bật, cụ thể như:

Tổ KNCĐ xã Nam Bình đã phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề nông nghiệp, chuyển giao công nghệ, khuyến nông cho lao động nông thôn thu hút gần 1.000 lượt người tham gia. Nội dung đào tạo tập trung vào sản xuất cà phê, tiêu, kỹ thuật nuôi và phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; nuôi và phòng bệnh cho thủy sản nước ngọt. Được sự hỗ trợ, hướng dẫn của các đơn vị, đến nay, Tổ khuyến nông cộng đồng đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất cho năng suất cao, như: tổ hợp tác trồng hoa thôn Nam Hà, Tổ hợp tác chăn nuôi… Hiện nay, Tổ khuyến nông cộng đồng đang phối hợp thực hiện Dự án sản xuất cà phê sạch theo hướng hữu cơ trên địa bàn xã.

Tổ KNCĐ xã Nhân Cơ đã triển khai tiêm dịch vụ tiêm phòng vắc-xin dại cho chó, mèo với tổng số liều được tiêm là 130 liều; Rà soát, nắm bắt sơ bộ các chủ thể có sản phẩm tiềm năng trên địa bàn đồng thời phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp huyện hướng dẫn chủ thể lập hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm; Phối hợp mời các hộ nông dân trên địa bàn xã tham gia các lớp tập huấn, hội thảo về kỹ thuật nông nghiệp do các đơn vị tổ chức trong và ngoài xã....

Nhìn chung Tổ KNCĐ đã tư vấn, hỗ trợ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp áp dụng quy trình sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm và đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường; tư vấn về các kỹ thuật, công nghệ, quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện sản xuất và nhu cầu của nông dân trên địa bàn. Tuy nhiên, do còn thiếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức về phát triển thị trường, quản trị HTX, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp,... nên hoạt động của các Tổ còn nhiều hạn chế, chưa thể hiện hết vai trò của mình. Các Tổ chưa thực hiện được hết các chức năng, nhiệm vụ đề ra.

leftcenterrightdel
 Lễ công bố Quyết định thành lập Tổ KNCĐ thí điểm tại tỉnh Đắk Nông

Sau hơn 02 năm triển khai, Tổ KNCĐ đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên hoạt động của Tổ cũng còn gặp rất nhiều khó khăn như:

Các thành viên trong Tổ còn hạn chế về kiến thức để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Tổ Khuyến nông cộng đồng, đặc biệt là kiến thức về phát triển thị trường, quản trị HTX, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp,... Tổ KNCĐ chưa được hỗ trợ về kinh phí, trang thiết bị,... nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động. Một số địa phương thành lập Tổ KNCĐ để đáp ứng đủ các tiêu chí xây dựng nông thôn mới “13.5. Có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả”, sau khi thành lập chưa thực sự chỉ đạo, quan tâm nhiều đến các hoạt động của Tổ.

Hoạt động làm cầu nối liên kết với các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản chưa được thực hiện tốt. Các doanh nghiệp đã ký kết thỏa thuận tham gia hỗ trợ các Tổ KNCĐ, liên kết thu mua sản phẩm, tuy nhiên trong thời gian qua chưa có nhiều hoạt động thực tế, quá trình liên kết chưa chưa được tổ chức tốt, do đó các Tổ KNCĐ chưa phát huy được vai trò kết nối trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Hiện nay, đa số các Tổ khuyến nông cộng đồng chưa thực hiện được các nhiệm vụ cụ thể, chưa xây dựng được chi tiết mô hình hoạt động của Tổ. Đa số hoạt động chỉ mang tính hình thức, còn lúng túng trong việc triển khai thực hiện.

Thành lập Tổ khuyến nông nhưng không có con dấu pháp nhân dẫn đến khó khăn trong việc ký kết các hợp đồng dịch vụ. Các tổ chức, cá nhân cho rằng không có sơ sở pháp lý.

Ngân sách các địa phương còn hạn hẹp, nên chưa thể bố trí kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động của Tổ Khuyến nông cộng đồng. Trong khi đó, nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ chưa có hoặc vô cùng thấp, chưa đảm bảo cho hoạt động của Tổ khuyến nông cộng đồng.

Các thành viên Tổ khuyến nông cộng đồng thường xuyên thay đổi và còn hạn chế về kiến thức chuyên môn để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Tổ.

Trong thời gian qua, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp cũng như các hoạt động của khuyến nông.

Để phát thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của Tổ KNCĐ góp phần phát triển nền nông nghiệp tỉnh nhà, trong thời gian tới tỉnh Đắk Nông tiếp tục thực hiện một số giải pháp sau: i) Tổ chức họp đánh giá kết quả hoạt động và đề xuất các giải pháp hoạt động trong thời gian tới cho thành viên các Tổ khuyến nông cộng đồng tại địa phương; ii) Tiếp tục lồng ghép các nguồn kinh phí tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho thành viên các Tổ KNCĐ trên địa bàn tỉnh, giúp các thành viên có đủ kiến thức, kỹ năng phục vụ trong quá trình hoạt động; iii) Các Tổ KNCĐ căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, tận dụng các nguồn lực sẵn có tại địa phương để thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy quá trình sản xuất nông nghiệp tại địa phương; iiii) Khuyến khích các Tổ KNCĐ phát huy vai trò cầu nối liên kết tiêu thụ nông sản, tư vấn các hoạt động nông nghiệp tại địa phương.

Thanh Phương

Trung tâm Khuyến nông và GNLN Đắk Nông