Điển hình như anh Trần Chín, ở thôn Vĩnh Phú 3, xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ. Anh Chín cho biết, gia đình anh có 2 sào ruộng sen; sen anh trồng là giống sen hồng lấy hạt, kích thước thân, lá, hoa, gương to hơn sen truyền thống, đặc biệt là hoa có màu hồng sậm; thời gian xuống giống đến khi thu hoạch khoảng 4 tháng; bình quân số gương sen thu được 60 - 67 gương/10 m2, số hạt chắc/gương sen trung bình 26 - 30 hạt, khối lượng trung bình 100 hạt/202,3 gam; sản lượng thu hoạch bình quân 200 kg/sào.

Theo anh Chín, cây sen rất thích hợp với vùng đất thấp trũng, nhiều bùn lầy và khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương; là loại cây rất dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, tỷ lệ hao hụt thấp, chỉ mất chi phí cho lần xuống giống đầu tiên, sau đó chăm sóc, bón phân và thu hoạch. Để cây sen phát triển nhanh, tươi tốt, thu hoạch được lâu, năng suất cao; phải chăm sóc thường xuyên bằng cách bón phân đầy đủ, phân bón cho sen là phân hữu cơ; bỡi dùng phân hữu cơ, cây sen rất ít sâu bệnh, sinh trưởng khỏe, hạt sen chắc. Hạt sen tươi rất được ưa chuộng nên được thương lái tìm đến thu mua tận nơi, với giá hạt sen dao động từ 30 - 40 ngàn đồng/kg, tùy theo thời điểm. Anh Chín ước tính, vụ sen vừa qua, gia đình anh thu lãi trên 7,5 triệu đồng/sào.

leftcenterrightdel
Ruộng sen nhà Anh Chín ở Mỹ Tài 

Ông Nguyễn Văn Chớ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Tài, cho biết thêm: diện tích trồng sen của anh Chín thuộc vùng thấp trũng, trước đây trồng lúa 1 vụ/năm, năng suất 60 tạ/ha nhưng sản xuất khó khăn do ngập nước. Thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất lúa kém hiệu quả, năm 2023 chính quyền và các hội doàn thể xã đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, triển khai 3 ha mô hình trồng sen tại thôn Kiên Phú và thôn Vĩnh Phú 3, với 30 hộ tham gia. Trong quá trình thực hiện mô hình, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp theo dõi, hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh đảm bảo đúng kỹ thuật, nên sen phát triển tốt, năng suất bình quân đạt 4 tấn/ha. So với trồng lúa, giá trị thu nhập trồng sen cao hơn 3,33 lần, nhưng chi phí đầu tư và công chăm sóc ít hơn. Từ hiệu quả của mô hình trồng sen, trong năm nay, xã Mỹ Tài tiếp tục chuyển đổi diện tích đất trồng lúa vùng thấp trũng sang trồng sen thêm 3 ha để nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập cho người dân.

Với ưu thế ít vốn đầu tư, dễ trồng, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương và sản phẩm dễ tiêu thụ, trồng sen thương phẩm sẽ mở ra hướng đi mới, giúp nhiều hộ nông dân có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống.

leftcenterrightdel
 Nông dân Mỹ Tài thu hoạch sen

Bùi Đông

Hội Nông dân Việt Nam (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định)