Hiện nay, với sự leo thang của giá cả vật tư nông nghiệp cũng như sự biến đổi bất thường của khí hậu, muốn phát triển nông nghiệp bền vững thì việc sản xuất nông nghiệp tuần hoàn là một tất yếu.

Với phương thức sản xuất truyền thống, các phế phụ phẩm nông nghiệp hầu như không được người dân quan tâm, chú trọng mà chủ yếu đem đổ gốc trực tiếp để tự phân hủy, bán, đốt, đã gây ra không ít ảnh hưởng tiêu cực cho môi trường cũng như cây trồng như: ô nhiễm, tồn dư và lây lan nhiều loại sâu bệnh, các vi sinh vật gây hại… Ngày nay với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ thì những phế phụ phẩm đó trở thành nguồn tài nguyên tái tạo đem lại hiệu quả cao cho người nông dân. Việc tận dụng, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên này một cách hiệu quả không chỉ giúp giảm sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, tiết kiệm chi phí đầu tư mà còn giúp tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe cho con người, tăng thu nhập cho người sản xuất hướng đến một nền nông nghiệp bền vững.

Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn đã trở thành một lựa chọn và là xu hướng tất yếu của ngành nông nghiệp Đắk Nông trong thời gian tới. Với tỷ lệ cao dân cư tập trung ở nông thôn và thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp như hiện nay cùng với sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng thì việc định hướng cho người dân cũng như ngành nông nghiệp phát triển đáp ứng được yêu cầu là cần thiết. Chính vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành đang nỗ lực không ngừng để ngành nông nghiệp tỉnh ta phát triển bền vững, mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất. Với những cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu và cây trồng khác thì hằng năm lượng phế phụ phẩm được sinh ra không nhỏ, đây là nguồn tài nguyên quan trọng để sản xuất phân hữu cơ chất lượng cao, bổ sung nguồn dinh dưỡng cho cây trồng, cải tạo đất nhưng giá thành chỉ bằng 30% so với giá thị trường. 

Ông Nguyễn Văn Khoáng ở thôn 7 xã Quảng Khê huyện Đắk Glong - một người đã và đang thực hiện sản xuất tuần hoàn chia sẻ: “Trước đây mỗi năm gia đình tôi phải đầu tư khá nhiều để mua phân hữu cơ bón cho cà phê nên chi phí tăng lên. Bên cạnh đó, vỏ cà phê rải gốc hoặc đốt lấy tro trồng rau rất lâu hoai mục, gây ô nhiễm môi trường và còn chứa nấm bệnh gây hại cho cây trồng. Sau tôi biết tới kỹ thuật ủ vỏ cà phê làm phân bón hữu cơ vi sinh, nhận thấy đây là một cách làm hay và hiệu quả nên gia đình bắt đầu thực hiện. Theo đó, gia đình tận dụng được nguồn vỏ cà phê, thân cây đậu, vỏ đậu tiến hành ủ theo quy trình được hướng dẫn. Sau hơn 2 tháng thì toàn bộ nguyên liệu đã hoàn toàn bị phân hủy trở thành phân hữu cơ chất lượng. Vườn cà phê tái canh của gia đình sau ba năm sử dụng phân hữu cơ ủ từ phế phụ phẩm nông nghiệp của gia đình giúp cây phát triển tốt, bệnh vàng lá thối rễ không còn, cây khỏe, lá xanh dày, cho năng suất, chất lượng cao. Đặc biệt, thông qua việc tận phế phụ phẩm đã giúp chi phí đầu tư giảm hơn so với trước rất nhiều, nhất là khi giá cả vật tư tăng như mấy năm gần đây cũng như không còn tình trạng lãng phí gây ô nhiễm nữa”.

Trên thực tế, nông nghiệp tuần hoàn đã được người dân áp dụng vào sản xuất nhưng vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chưa tập trung, thiếu liên kết nên hiệu quả chưa được phản ánh rõ rệt. Với sự liên kết trong sản xuất của những người cùng chí hướng thì nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn càng phát triển mạnh hơn. Sự ra đời của các hợp tác xã đã giúp các thành viên không chỉ liên kết đơn thuần mà cùng nhau có trách nhiệm và tuân thủ đúng quy định chung, giúp nhau phát triển cùng xây dựng và làm cho hợp tác xã phát triển một cách hiệu quả nhất. Tại Đắk Nông có thể kể đến Hợp tác xã nông nghiệp thương mại dịch vụ hữu cơ Hoàng Nguyên, Hợp tác xã thương mại – dịch vụ - Nông nghiệp hữu cơ Tâm Thành Phát,… Từ khi thành lập đến nay, các hợp tác xã này luôn hướng tới sản xuất bền vững, sản xuất tạo ra sản phẩm hữu cơ, đạt chuẩn “ogarnic”. Để đạt được kết quả đó, ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật thì các hợp tác xã tiến hành sản xuất phân hưu cơ từ các phế phụ phẩm nông nghiệp có sẵn để thay thế phân hóa. Hiện nay, để tăng được sản lượng phân hữu cơ các hợp tác xã tích cực thu mua những phế phụ phẩm tại địa phương do người dân không sử dụng.

Với áp lực giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao như hiện nay, việc thay đổi nhận thức mạnh dạn chuyển sang hướng nông nghiệp tuần hoàn bền vững, thân thiện với môi trường để nâng cao lợi nhuận là xu thế tất yếu chắc chắn trong thời gian tới, góp phần giải quyết những khó khăn do khan hiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên, gia tăng sự ứng phó với sự biến động liên tục của thị trường. Tuần hoàn trong nông nghiệp có khả năng giúp người nông dân hạn chế rủi ro trong sản xuất, từ đó giúp người dân tiết kiệm chi phí, cải thiện thu nhập và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tiềm năng về kinh tế tuần hoàn đối với Đắk Nông là rất lớn và tạo ra nhiều cơ hội cho người nông dân.    

Phan Văn Thành

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông